ĐẠI DIỆN THƯƠNG MẠI CÓ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM GÌ?

27/02/2018

Đại diện thương mại hay đại diện cho thương nhân là việc một thương nhân nhận uỷ nhiệm (gọi là bên đại diện) của thương nhân khác (gọi là bên giao đại diện) để thực hiện các hoạt động thương mại với danh nghĩa, theo sự chỉ dẫn của thương nhân đó và được hưởng thù lao về việc đại diện. 

Dựa vào các quy định về đại diện thương mại thì đại diện thương mại sẽ có các đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, về bản chất: Đại diện thương mại là quan hệ trung gian thương mại, thực chất là ủy quyền đại diện thương mại. Hoạt động này chỉ được diễn ra khi một chủ thể có nhu cầu giao công việc cho một chủ thể khác thay mình thực hiện. Đây cũng chính là một trong bốn hoạt động trung gian thương mại được điều chỉnh bởi Luật thương mại 2005.

Thứ hai, về chủ thể trong quan hệ đại diện thương mại: bao gồm bên đại diện và bên giao đại diện.

Bên giao đại diện là thương nhân có quyền thực hiện công việc đại diện thương mại đó là các hoạt động thương mại nhất định (mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ,…) theo quy định của pháp luật, tiến hành ủy quyền công việc đó cho một thương nhân khác. Bên đại diện là thương nhân thực hiện hoạt động trung gian thương mại, cung ứng dịch vụ đại diện một cách chuyên nghiệp để kiếm lợi nhuận.

(đại diện thương mại)

Thứ ba, về tư cách pháp lý trong giao dịch với người thứ ba: Trong quan hệ đại diện thương mại, người đại diện thương mại nhân danh bên giao đại diện trong giao dịch với chủ thể thứ ba. Giao dịch với bên thứ ba sẽ do bên đại diện thực hiện thông qua sự ủy quyền của bên giao đại diện. Trong phạm vi ủy quyền, bên đại diện được giao dịch với bên thứ ba, mọi hành vi do bên đại diện trực tiếp đem lại hậu quả pháp lý cho bên giao đại diện. Vì thế, mối quan hệ và sự ràng buộc giữa bên giao đại diện và bên đại diện là vô cùng chặt chẽ và mật thiết.

Thứ tư, mục đích của hoạt động đại diện thương mại là sinh lời. Do đó quan hệ đại diện trong thương mại luôn mang tính chất song vụ, đền bù.

Thứ năm, nội dung là phạm vi của hoạt động đại diện thương mại do các bên tham gia quan hệ thỏa thuận, bao gồm một phần hoặc toàn bộ các hoạt động thương mại thuộc phạm vi hoạt động của bên giao đại diện. Nội dung phạm vi đại diện gắn với các hoạt động thương mại. Hoạt động đại diện thương mại thường khá rộng, được tiến hành trong suốt thời gian đại diện, không giới hạn vào một việc cụ thể. Bên đại diện có thể được ủy quyền tiến hành một hoặc nhiều hoạt động từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư như nghiên cứu thị trường, lựa chọn, đàm phán với các đối tác, đến giai đoạn ký kết, thực hiện hợp đồng với bên thứ ba dưới danh nghĩa của bên giao đại diện.

Thứ sáu, về cơ sở pháp lý: Hợp đồng đại diện thương mại.

Hợp đồng đại diện thương mại là hợp đồng dịch vụ trung gian thương mại. Bên cung cấp dịch vụ trung gian thương mại là bên đại diện, bên sử dụng dịch vụ là bên giao đại diện. Hợp đồng đại diện thương mại bắt buộc phải được lập thành văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Trên đây là các nội dung tư vấn về đặc điểm đại diện thương mại để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop