QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG THỰC HIỆN KÊ KHAI GIÁ

13/09/2018

Quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện kê khai giá được quy định như thế nào?

Điều 17 Thông tư số 56/2014/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2014 được sửa đổi bởi Khoản 7 Điều 1 Thông tư 233/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện kê khai giá như sau:

“Điều 17. Quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện kê khai giá 

1. Đối với cơ quan tiếp nhận Văn bản: 

a) Có quyền sử dụng mức giá do tổ chức, cá nhân kê khai vào mục đích phân tích, tổng hợp, dự báo biến động giá cả thị trường và xây dựng cơ sở dữ liệu về giá; kiểm tra các yếu tố hình thành giá, công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng phục vụ mục tiêu bình ổn giá, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo luật định khi cần thiết; 

b) Có quyền rà soát nội dung Văn bản kê khai giá do tổ chức, cá nhân kê khai bao gồm rà soát về ngày thực hiện mức giá kê khai, bảng kê khai mức giá, phần giải trình lý do điều chỉnh giá; yêu cầu bằng văn bản các tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai giá báo cáo về mức giá kê khai phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá trong trường hợp cần thiết để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật; 

c) Có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về tiếp nhận Văn bản quy định tại Điều 15 Thông tư này; 

d) Có trách nhiệm bảo mật mức giá kê khai của tổ chức, cá nhân trong thời gian mức giá kê khai chưa có hiệu lực thực hiện theo quy định của pháp luật. 

(Ảnh minh họa: quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện kê khai giá)

2. Đối với tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai giá: 

a) Có quyền mua, bán hàng hoá, dịch vụ theo giá đã kê khai kể từ ngày thực hiện mức giá kê khai mà tổ chức, cá nhân đã ghi trong Văn bản gửi cơ quan tiếp nhận Văn bản sau khi nộp đủ thành phần, số lượng Văn bản theo quy định và được cán bộ tiếp nhận đóng dấu công văn đến có ghi ngày, tháng, năm tiếp nhận vào Văn bản. 

b) Có quyền gửi thông báo mức giá theo mẫu tại Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Thông tư này thay cho Văn bản kê khai giá khi điều chỉnh tăng, giảm giá hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó khi các yếu tố hình thành giá thay đổi đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm i, điểm k tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP trong thời gian Nhà nước không áp dụng biện pháp đăng ký giá để bình ổn giá và hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm b, điểm c, điểm d tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 149/2016/NĐ-CP; trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ sung hàng hóa, vụ khác gửi thông báo mức giá quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP và khoản 9 Điều 1 Nghị định số 149/2016/NĐ-CP. Trường hợp cộng dồn các lần điều chỉnh tăng, giảm giá liên tục theo hình thức gửi thông báo mức giá trên mà vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, tổ chức, cá nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Thông tư này; 

c) Có trách nhiệm thực hiện kê khai giá, thông báo mức giá theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của mức giá kê khai phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá; chấp hành báo cáo về mức giá kê khai theo yêu cầu của cơ quan tiếp nhận Văn bản để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra; chấp hành việc kiểm tra (bao gồm kiểm tra yếu tố hình thành giá), thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có); 

d) Không được áp dụng mức giá kê khai trong mua, bán hàng hóa, dịch vụ trước ngày thực hiện kê khai giá theo quy định. Trường hợp kê khai giảm giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện giảm giá ngay phù hợp với biến động giảm của yếu tố hình thành giá; đồng thời, gửi Văn bản kê khai giá, thông báo mức giảm giá đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 

đ) Có trách nhiệm thực hiện công khai thông tin về mức giá đã kê khai; thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận Văn bản kê khai giá nếu thay đổi thời gian bắt đầu áp dụng mức giá đã kê khai; công khai, niêm yết trong toàn hệ thống phân phối (nếu có); thực hiện đúng giá niêm yết; chấp hành các biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; 

e) Có trách nhiệm chấp hành các hình thức xử lý về kê khai giá theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí, hóa đơn.”

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện kê khai giá để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop