TỔ CHỨC MỪNG THỌ NGƯỜI CAO TUỔI

06/10/2018

Tổ chức mừng thọ người cao tuổi từ đủ 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào một trong các ngày sau: Ngày người cao tuổi Việt Nam (06/6), Ngày Quốc tế người cao tuổi (01/10), Tết Nguyên đán hoặc sinh nhật người cao tuổi.

Cách tổ chức lễ mừng thọ người cao tuổi được quy định cụ thể tại Mục 3 Thông tư số 06/2012/TT-BVHTTDL ngày 14 tháng 05 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như sau:

1. Nguyên tắc tiến hành lễ mừng thọ

+ Người điều hành buổi lễ là đại diện lãnh đạo Hội người cao tuổi cấp xã.

+ Trường hợp người được mừng thọ ốm, yếu không đến dự lễ mừng thọ, ban tổ chức có trách nhiệm đến tận nơi trao giấy mừng thọ và tặng quà.

+ Việc tổ chức mừng thọ tại gia đình phải đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của gia đình.

2. Trang trí buổi lễ mừng thọ

+ Treo Quốc kỳ ở phía bên trái của sân khấu (nhìn từ phía dưới lên).

+ Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trên bục cao phía dưới Quốc kỳ. Trường hợp cờ được treo trên cột thì tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt chếch phía trước bên phải cột cờ (nhìn từ phía dưới lên). Logo Hội người cao tuổi đặt trên và chính giữa phía trên tiêu đề buổi lễ (cách 25-30cm).

+ Tiêu đề buổi lễ được thể hiện bằng kiểu chữ in hoa trên nền phông về phía bên phải sân khấu.

+ Nội dung tiêu đề thể hiện theo độ tuổi như sau:

* Đủ 70 tuổi và đủ 75 tuổi: lễ mừng thọ;

* Đủ 80 tuổi và đủ 85 tuổi: lễ mừng thượng thọ;

* Đủ 90 tuổi, đủ 95 tuổi và 100 tuổi trở lên: lễ mừng thượng thượng thọ.

* Trường hợp tổ chức lễ mừng thọ chung đối với người cao tuổi thuộc nhiều độ tuổi khác nhau thì nội dung tiêu đề ghi chung là: lễ mừng thọ

+ Hoa trang trí đặt ở phía dưới, trước tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

+ Khẩu hiệu của buổi lễ (nếu có) được treo ở vị trí nổi bật, phù hợp với không gian hội trường. Nội dung khẩu hiệu do ban tổ chức quyết định.

(Ảnh minh họa: Tổ chức mừng thọ người cao tuổi)

3. Trang phục trong buổi lễ mừng thọ

+ Trang phục người cao tuổi được mừng thọ: trang phục truyền thống theo phong tục của dân tộc, tôn giáo.

+ Trang phục người tham dự buổi lễ mừng thọ; trang phục đẹp, lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục.

4. Trình tự tổ chức lễ mừng thọ người cao tuổi

+ Thông báo chương trình buổi lễ.

+ Tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu ngắn gọn, trang trọng.

+ Phát biểu khai mạc.

+ Công bố danh sách người cao tuổi được tổ chức mừng thọ.

+ Trao giấy mừng thọ và tặng quà cho người cao tuổi được mừng thọ.

+ Văn nghệ chúc mừng: hát, đọc thơ hoặc hình thức văn nghệ khác.

+ Đại diện lãnh đạo chính quyền phát biểu chúc mừng.

+ Người được mừng thọ phát biểu ý kiến. Trong trường hợp nhiều người được mừng thọ thì cử đại diện phát biểu ý kiến.

+ Kết thúc buổi lễ.

5. Kinh phí tổ chức mừng thọ

Kinh phí tổ chức lễ mừng thọ người cao tuổi được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách; Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18 tháng 02 năm 2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi và quy định của pháp luật về tài chính có liên quan.

Trên đây là các nội dung tư vấn về vấn đề hướng dẫn tổ chức mừng thọ người cao tuổi để Quý khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc gọi 1900 6179 yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop