Chế độ nghỉ thai sản mới

05/01/2018

Chế độ nghỉ thai sản là một vấn đề luôn được các lao động nữ quan tâm, không ít trường hợp do không nắm rõ các quy định của pháp luật mà các lao động nữ đã không được đảm bảo các quyền lợi về chế độ nghỉ thai sản của mình. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về vấn đề này?

Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm là một trong những nội dung cơ bản và quan trọng nhất về bình đẳng giới trên phạm vi toàn cầu, trong từng khu vực cũng như ở Việt Nam. Trong lĩnh vực này, các quy định của pháp luật về chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và chế độ thai sản nói riêng đóng một vai trò rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi của lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới. Chế độ nghỉ thai sản là một vấn đề luôn được các lao động nữ quan tâm, không ít trường hợp do không nắm rõ các quy định của pháp luật mà các lao động nữ đã không được đảm bảo các quyền lợi về chế độ nghỉ thai sản của mình. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về vấn đề này?

Điều 157 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:

1. Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng.

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.

4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.

Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Căn cứ vào các quy định trên có thể thấy, Bộ luật Lao động 2012 ra đời ngày càng đảm bảo, hoàn thiện hơn các quy định về chế độ thai sản cho người lao động. Thay vì lao động nữ sinh con được nghỉ 4 tháng theo Luật bảo hiểm xã hội thì hiện nay lao động nữ được nghỉ trước và sau sinh con là 6 tháng. Đồng thời, BLLĐ bổ sung quy định về nghỉ trước sinh tối đa không quá 2 tháng.

Hiện nay, có quan điểm cho rằng, nếu lao động nam cũng đóng bảo hiểm xã hội với tỉ lệ như lao động nữ thì họ cũng phải được hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con. Do đặc thù về giới tính nam giới không thể trực tiếp sinh đẻ, nhưng khi người vợ sinh con thì nam giới cũng phải thực hiện nghĩa vụ làm cha, nuôi dưỡng, chăm sóc con. Nếu chỉ quy định nữ giới mới có quyền hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì vô hình trung gây ra sự bất bình đẳng nam nữ. Bởi lẽ đó, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần đầu tiên đề cập tới chế độ nghỉ thai sản cho lao động nam. Nếu dự thảo được thông qua thì lao động nam sẽ được nghỉ 5 -7 ngày nguyên lương, tùy vào việc vợ sinh thường hay phải phẫu thuật.

 

Khách hàng cần tham vấn, hỗ trợ thêm về pháp lý, xin liên hệ với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn miễn phí luật sư 24/7: 1900 6179.

bttop