MC PHAN ANH CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT NHƯ MỘT SỐ BÀI VIẾT

05/01/2018

ĐỀ CẬP?
Vừa qua có đợt lũ lụt lớn xảy ra tại miền trung gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trước tình hình đó, MC Phan Anh đã đứng ra ủng hộ từ thiện, đồng thời vận động mọi người đóng góp ủng hộ đồng bào chịu bão lụt. Hình thức đóng góp là các cá nhân, tổ chức quyên góp tiền vào của cá nhân MC Phan Anh, để Phan Anh sử dụng vào mục đích ủng hộ lũ lụt. Sau 1 tuần, số tiền ủng hộ lên tới gần 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, có một số quan điểm cho rằng việc MC Phan Anh tự ý vận động, quyên góp tiền là vi phạm pháp luật 

theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP “về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo” (sau đây gọi tắt là Nghị định 64/2008/NĐ-CP)…
Vậy quan điểm cho rằng MC Phan Anh có nhiều vi phạm pháp luật trong sự việc làm từ thiện nêu trên có đúng hay không?
Dưới góc nhìn chuyên gia, Luật sư Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty Luật TNHH Huy Thành có bài viết phân tích, phản biện vấn đề này như sau:
1. Bản chất của việc vận động, quyên góp tiền của MC Phan Anh.
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu được bản chất pháp lý của việc mọi người gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của MC Phan Anh. Đầu tiên, trước tình hình bão lụt nghiêm trọng, MC Phan Anh đã có kế hoạch cá nhân về việc ủng hộ đồng bào lũ lụt bằng số tiền của riêng mình trong tài khoản Ngân hàng. Sau đó, Phan Anh cho thông tin số tài khoản đó để mọi người có hảo tâm có thể ủng hộ thêm, không ép buộc ai phải thực hiện. Số tiền mọi người ủng hộ sau đó lên tới 20 tỷ đồng.
Như vậy, về mặt bản chất việc các cá nhân, tổ chức chuyển tiền vào tài khoản của MC Phan Anh được coi là các hợp đồng tài sản theo Bộ luật Dân sự 2005. Cụ thể Điều 465 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
“Điều 465. Hợp đồng tặng cho tài sản
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận”.
Các cá nhân, tổ chức hoàn toàn tự nguyện chuyển tiền vào tài khoản MC Phan Anh mà không yêu cầu MC Phan Anh hoàn trả lại, MC Phan Anh cũng đồng ý nhận. Khi tiền được chuyển vào tài khoản của MC Phan Anh thì hợp đồng tặng cho tài sản đã được thực hiện; các bên đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của mình. Do vậy, về mặt bản chất đây là quan hệ giao dịch dân sự tặng cho tài sản giữa nhiều cá nhân, tổ chức khác nhau với MC Phan Anh.
Cần phải hiểu tài khoản cá nhân của MC Phan Anh không phải là “quỹ” theo quy định tại Nghị định 148/2007/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 148/2007/NĐ-CP quy định: “1. "Quỹ": là tổ chức phi chính phủ có tư cách pháp nhân do một hoặc nhiều cá nhân, tổ chức tự nguyện dành một khoản tài sản nhất định để thành lập hoặc thành lập thông qua hợp đồng, hiến tặng, di chúc, nhằm mục đích hỗ trợ văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, khoa học, từ thiện, nhân đạo và các hoạt động vì lợi ích cộng đồng không vì mục đích lợi nhuận, quỹ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập, công nhận Điều lệ”. Rõ ràng, tài khoản cá nhân của MC Phan Anh không có tư cách pháp nhân nên không thuộc điều chỉnh của Nghị định 148/2007/NĐ-CP.
Sau khi tài sản (tiền) được chuyển giao cho MC Phan Anh thì theo quy định của pháp luật dân sự, MC Phan Anh có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt số tiền trên theo ý chí cá nhân và theo các quy định của pháp luật; không ai có quyền can thiệp hay ngăn cản.
2. MC Phan Anh có vi phạm các quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP  hay không?
Trước hết, khoản 1 Điều 1 Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định:
“Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
1.Nghị định này quy định về tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trong và ngoài nước, khắc phục hậu quả do hỏa hoạn; sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”.
Điều 4 Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định:
“Điều 4. Tổ chức kêu gọi, vận động đóp góp tiền, hàng cứu trợ
1. Khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản và phương tiện sản xuất của nhân dân thì tùy theo mức độ, phạm vi thiệt hại, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hàng cứu trợ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại.
2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra lời kêu gọi ủng hộ theo hệ thống Chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước.
3. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi chung là quỹ xã hội, quỹ từ thiện) được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
4. Các cơ quan thông tin đại chúng (Báo, Đài); các tổ chức đơn vị quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp được phép vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật”.
Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định:
“Điều 5. Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ
1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
4. Đối với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này”.
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì các cơ quan, tổ chức thuộc Điều 4, Điều 5 mới chịu sự điều chỉnh của Nghị định 64/2008/NĐ-CP. MC Phan Anh là một cá nhân độc lập nên không chịu sự điều chỉnh của Nghị định này. Như đã phân tích thì MC dùng tài sản cá nhân (tiền cá nhân + tiền được tặng cho) để trực tiếp thực hiện việc cứu trợ. Đây là việc làm mang ý chí cá nhân, thuộc quyền định đoạt của MC Phan Anh nên không cần phải thông qua các Cơ quan, tổ chức nêu trên.
Ngoài ra, cũng theo quy định tại Điều 3 Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định 3 hành vi vi phạm bị nghiêm cấm như sau:
“Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo.
2. Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp.
3. Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi”.
Về nguyên tắc pháp luật, Công dân được được phép làm những gì pháp luật không cấm, miễn là tuân thủ các quy định của pháp luật điều chỉnh liên quan. Rõ ràng, ai trong chúng ta cũng nhận thấy việc làm của MC Phan Anh hoàn toàn không vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm nêu trên, do vậy về nguyên tắc MC Phan Anh được quyền sử dụng số tiền từ tài khoản cá nhân của mình để thực hiện việc ủng hộ đồng bào lũ lụt. Do vậy MC Phan Anh không vi phạm các quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP.
3. Giả sử hành vi của MC Phan Anh có dấu hiệu vi phạm pháp luật như quan điểm pháp lý của một số bài viết thì có cơ chế xử lý hay không?
3.1. Về hình sự.
Có thể thấy rõ, việc làm của MC Phan Anh không có bất kỳ một dấu hiệu phạm pháp hình sự nào. Cụ thể, MC Phan Anh không có hành vi gian dối, cung cấp thông tin sai sự thật để chiếm đoạt tài sản người khác (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Việc bão lụt ở miền trung là hoàn toàn có thật; việc MC Phan Anh dùng tiền để đi cứu trợ cũng hoàn toàn có thật; hơn nữa MC Phan Anh cũng không chiếm đoạt tiền của ai, các cá nhân hoàn toàn biết rõ việc làm của MC Phan Anh và tự nguyện chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mà không yêu cầu hoàn trả lại.
Còn nếu cho rằng MC Phan Anh có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 Bộ luật hình sự thì cũng không có căn cứ. Bởi lẽ, như đã phân tích thì việc bên tặng cho tự nguyện tặng cho tài sản cho bên nhận mà không có điều kiện hoặc yêu cầu đền bù. Do vậy, không thể nói MC Phan Anh chiếm đoạt tiền của người khác. Hơn nữa, cũng không có việc MC Phan Anh sau khi được nhận tiền thì dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tiền; cũng không có việc MC Phan Anh dùng số tiền trên để dùng vào mục đích bất hợp pháp.
Mặt khác, đến thời điểm hiện tại cũng không bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào đã gửi tiền cho MC Phan Anh có đơn tố cáo MC Phan Anh vi phạm pháp luật hay chiếm đoạt tiền của họ. Nếu các cá nhân, tổ chức nêu trên không có ý kiến gì về việc làm của MC Phan Anh thì việc làm của MC Phan Anh nếu giả sử bị xác định có dấu hiệu hình sự thì cũng không xác định được “bị hại” là ai; trong khi các tội quy định tại Điều 139, Điều 140 bắt buộc phải xác định có bị hại thì mới có thể xử lý được.
Nói tóm lại, việc làm của MC Phan Anh không vi phạm pháp luật hình sự hiện hành.
3.2. Về hành chính
Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 139/2013/NĐ-CPquy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão:
“Điều 22. Vi phạm quy định trong khắc phục hậu quả lụt, bão
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chiếm dụng hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng của lụt, bão.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại hàng hóa hoặc giá trị hàng hóa đã chiếm dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này”.
Rõ ràng, MC Phan Anh hoàn toàn không có hành vi vi phạm nêu trên nên không có căn cứ xử lý vi phạm hành chính.
3.2. Về Dân sự
Như đã phân tích thì việc các cá nhân, tổ chức tặng cho tài sản (tiền) cho MC Phan Anh là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật nên các hợp đồng này sẽ không bị vô hiệu theo quy định của pháp luật Dân sự. Do vậy, MC Phan Anh hoàn toàn có quyền sử dụng, định đoạt số tiền này theo quy định của pháp luật.
4. MC Phan Anh có phải chịu thuế thu nhập đối với khoản tiền 20 tỷ hay không?
MC hoàn toàn không vi phạm các quy định về trốn thuế, gian lận thuế; số tiền mọi người chuyển vào là hoàn toàn công khai, minh bạch; hơn nữa đây cũng không phải là “khoản thu nhập chịu thế” theo các quy định về pháp luật thuế nên MC Phan Anh sẽ không phải nộp thuế với số tiền hơn 2 tỷ đồng như một số quan điểm đã đưa.
Trên đây là một số quan nội dung pháp lý phản bác lại quan điểm cho rằng Mc Phan Anh đã vi phạm pháp luật trong việc làm từ thiện nêu trên, để mọi người biết.

Luật sư Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty Luật TNHH Huy Thành.
Hotline tư vấn pháp luật miễn phí 24/7: 1900 6179.

 

bttop