TIÊU CHUẨN LUẬT SƯ VIỆT NAM VÀ RỦI RO CHO KHÁCH HÀNG

05/01/2018

Cùng với sự phát triển của đất nước, nghề luật sư cũng đang vươn mình tại Việt Nam và trở thành sự lựa chọn của nhiều người. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng gần 10 nghìn Luật sư; đây là con số rất khiêm tốn đối với một đất nước có tới hơn 90 triệu dân.

Mặc dù vậy, phải nhìn nhận khách quan rằng mặt bằng chất lượng của Luật sư Việt Nam chưa cao, chưa có sự chuyên môn hoá rõ ràng trong lĩnh vực hành nghề. Đây là hệ luỵ của một xã hội mà ở đó nghề luật sư chưa được coi trọng và đánh giá đúng mức; cơ chế đào tạo còn yếu và điều kiện, tiêu chuẩn luật sư chưa cao. Chúng ta cùng phân tích vấn đề này để thấy rằng lựa chọn Luật sư là vấn đề khó và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với khách hàng.
Theo quy định tại Điều 10 Luật Luật sư thì tiêu chuẩn của Luật sư là Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.
Và Điều 11 của Luật này quy định: “Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư”.

(ảnh minh họa: tiêu chuẩn luật sư Việt Nam và rủi ro cho khách hàng)
Với quy định nêu trên, chúng ta nhận thấy một số bất cập:
Thứ nhất, các tiêu chí như trung thành với tổ quốc, tuân thủ hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt là những điều kiện vô hình, không định lượng và phần lớn công dân Việt Nam đều có và đảm bảo (chí ít là về mặt hồ sơ).
Thứ hai, phải có Bằng cử nhân Luật: Điều kiện này xác định về mặt bằng cấp chuyên môn; là tiêu chí quyết định cho chất lượng luật sư khi hành nghề. Đây là điều kiện đúng nhưng chưa chặt, bởi với cơ chế đào tạo hiện nay thì còn nhiều bất cập, cụ thể:
Tại Việt Nam, có ba cơ sở đào tạo Cử nhân Luật đúng nghĩa, toàn diện và chất lượng hơn gồm: Đại học Luật Hà Nội; Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Khoa Luật Đại học Quốc Gia Hà Nội. Mỗi năm, khoảng hơn ngàn cử nhân Luật tốt nghiệp từ ba cơ sở này và được “phân bổ” cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực trên toàn quốc. Bởi vậy, số lượng nguồn Cử nhân Luật này đăng ký đào tạo nghề luật sư là không nhiều. Ngoài ba cơ sở nêu trên, thì có rất nhiều trường Đại học trên phạm vi toàn quốc cũng có Khoa luật, Khoa Chính trị luật…nói chung là liên quan đến luật. Nhưng về chất lượng đào tạo chuyên môn thì còn hạn chế hơn so với các cơ sở đã nêu.
Hạn chế và bất cập nhất là cơ chế đào tạo tại chức, chuyên tu Cử nhân Luật còn tồn tại ở các Trường Đại học Luật hoặc khoa Luật. Hình thức đào tạo này rất phổ biến tại Việt Nam và hàng năm cũng tốt nghiệp một khối lượng lớn Cử nhân Luật. Đây cũng là hình thức đào tạo mang lại nguồn thu lớn cho nhà trường.
Sẽ là phiến diện nếu nói rằng đa phần các Cử nhân Luật được đào tạo từ hình thức thứ ba chưa đảm bảo chất lượng, cả về kiến thức chuyên chuyên môn và tư duy, lý luận pháp lý. Tuy nhiên, cũng khó để nói rằng phần nhiều trong số họ đáp ứng được các tiêu chí trung bình của một Cử nhân Luật đúng nghĩa.
Tất cả các hình thức đào tạo nêu trên đều cho ra kết quả chung là “Cử nhân Luật” để đáp ứng điều kiện cần cho quy trình đào hành nghề luật sư hiện nay tại Học viện Tư pháp Việt Nam. Đây là bất cập thứ ba trong tiêu chuẩn Luật sư Việt Nam. Mỗi năm, Học viện Tư pháp Việt Nam đều mở các khoá đào tạo Luật sư theo hình thức xét tuyển cho tất cả những người có bằng “Cử nhân Luật”. Các “Cử nhân Luật” đều có thể trở thành nguồn cung cho đội ngũ Luật sư mà không bị giới hạn về bằng cấp, thâm niên công tác trong lĩnh vực luật và liên quan.
Về Công tác tập sự hành nghề luật sư cũng chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ, dẫn đến thực trạng “ghi danh” tập sự. Điều này lý giải cho việc nhiều người có Thẻ Luật sư, lập Văn phòng, Công ty Luật nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng; hành nghề tràn lan ở nhiều lĩnh vực dịch vụ pháp lý mà chưa có định hướng và chuyên môn hoá.
Một Luật sư có kinh nghiêm và kỹ năng phải có khả năng phân tích, đánh giá, dự đoán tình huống phát sinh và hoạch định kế hoạch hành động cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng một cách tốt nhất. Bởi vậy, để lựa chọn Luật sư cho phù hợp, khách hàng cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
(Bài viết hoàn toàn trên quan điểm xây dựng nhằm mục đích góp phần phát triển và nâng cao hơn nữa chất lượng Luật sư tại Việt Nam – Luật sư Nguyễn Văn Thành – Công ty Luật TNHH Huy Thành).

Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

bttop