Nếu không cẩn trọng bạn có thể là nạn nhân tương tự

05/01/2018

Trong bài viết trước, tôi đã chia sẻ với mọi người về tình huống vay mượn tài sản và lòng tham có thể chà đạp lên đạo đức làm người. Trong bài viết này, tôi tiếp tục chia sẻ về một vụ việc đã xảy ra nhiều trong thực tế liên quan đến chuyển nhượng nhà đất, mà hệ quả sau cùng của nó là cả bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng đều có thể là nạn nhân của hành vi lừa đảo tinh vi.

Khách hàng của tôi, một phụ nữ đã 70 tuổi, sống đơn côi, không chồng, cũng chẳng con. Bà gặp tôi khi tôi đang tác nghiệp tại một phiên toà. Tôi không để ý, nhưng có lẽ bà đã theo dõi và chủ động bắt chuyện với tôi trong giờ nghị án. Mặc dù không hề quen biết, nhưng bà mở lời rất tự nhiên và chủ động kể cho tôi nghe về vụ việc bà đang vướng phải.
Bà nói rằng, năm 2010, sau khi từ Nga trở về Việt Nam, bà có nhận chuyển nhượng một căn nhà đất; mọi thủ thục được thực hiện theo thủ tục luật định. Sau khi chuyển nhượng, Bà cũng đã được UBND Quận…cấp Giấy chứng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liên với đất.
Do cần vốn kinh doanh, bà có ý định thế chấp nhà đất nêu trên để vay vốn Ngân hàng. Tuy nhiên, thời điểm đó để vay được vốn là rất khó, bởi bà không chứng minh được nguồn thu nhập để đảm bảo cho việc thanh toán. Bà có quen một người phụ nữ tên T; bà cũng biết người này có nhiều quan hệ với các Ngân hàng. Sau khi biết được dự đinh, T đã chủ động đề nghị giúp đỡ lo thủ tục vay vốn cho bà. Tuy nhiên, để làm được, T yêu cầu bà phải ra Văn phòng Công chứng ký Giấy Uỷ quyền và bàn giao toàn bộ Giấy tờ nhà đất cho T. Vì tin tưởng và do cần vốn, nên bà đã thực hiện theo yêu cầu của T.
Mọi thủ tục vay vốn tại Ngân hàng đã được thực hiện, bà đã cùng T trực tiếp nhận tiền tại Ngân hàng.
Khoảng nửa năm sau, đó là thời điểm bà vừa đi du lịch về thì ông B cùng nhiều người đến yêu cầu bà bàn giao nhà do đã chuyển nhượng. Bà ngỡ ngàng và hoàn toàn không biết chuyện gì đã xảy ra. Sau khi chấn tĩnh, xem xét hồ sơ do ông B cung cấp thì bà nhận ra chính T là bên đã chuyển nhượng nhà đất của mình cho ông B tại văn phòng Công chứng. Căn cứ để T thực hiện chuyển nhượng là Giấy Uỷ quyền do bà đã ký trước đây; Trong Giấy Uỷ quyền có hai nội dung quan trọng gồm:
Một là, T có quyền thay bà thực hiện các thủ tục Thế chấp, chuyển nhượng, định đoạt quyền sử dụng, sở hữu nhà đất liên quan;
Hai là, T có quyền thay bà thực hiện các thủ tục thanh quyết toán và giải chấp khoản nợ với Ngân hàng.
Thời điểm đó, bà đã liên hệ với T nhưng không được, do đuối lý, đơn thân thế cô nên bà buộc phải rời khỏi căn nhà của mình trong uất ức.
Đã 5 năm nay, bà đã gửi nhiều đơn từ kêu cứu tới cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết; chỗ thì trả lời bà không thuộc thẩm quyền, nơi thì kết luận là quan hệ tranh chấp dân sự.
Hiện, tôi đang hỗ trợ pháp lý cho bà thực hiện các thủ tục khởi kiện tại toà án nhân dân có thẩm quyền; đồng thời tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ liên quan với hy vọng có thể bảo vệ được quyền lợi chính đáng cho bà.
Đây là vụ việc rất khó, là bài học đắt giá nếu chúng ta không thận trọng. Bởi vậy, xin chia sẻ để mọi người tham khảo và lưu ý trong cuộc sống.

Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

bttop