Chấm dứt Hợp đồng dân sự

05/01/2018

Có thể nói rằng sau khi hợp đồng được thiết lập, sự ràng buộc pháp lý về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được thể hiện rõ nét, theo đó bên nào vi phạm cam kết, thỏa thuận phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi vi phạm của mình. Tuy nhiên, Hợp đồng dân sự có thể chấm dứt khi xuất hiện các căn cứ theo quy định của pháp luật

Hợp đồng dân sự là một trong những chế định quan trọng của pháp luật dân sự, là phương tiện pháp lý quan trọng để thỏa mãn quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội.

Hợp đồng dân sự được xác lập sẽ hình thành mối quan hệ pháp lý giữa các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng, mối liên hệ pháp lý này được đảm bảo thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế của Nhà nước. Do đó, có thể nói rằng sau khi hợp đồng được thiết lập, sự ràng buộc pháp lý về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được thể hiện rõ nét, theo đó bên nào vi phạm cam kết, thỏa thuận phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi vi phạm của mình. Tuy nhiên, Hợp đồng dân sự có thể chấm dứt khi xuất hiện các căn cứ theo quy định của pháp luật.

Điều 424 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:

“Hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Hợp đồng đã được hoàn thành;

2. Theo thoả thuận của các bên;

3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện;

4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;

5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại;

6. Các trường hợp khác do pháp luật quy định”.

Hợp đồng đã được hoàn thành

Trường hợp này, hợp đồng dân sự chấm dứt khi mà các bên đã thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình với bên kia. Hợp đồng chỉ coi là hoàn thành khi mà tất cả các bên hoàn thành nghĩa vụ của mình theo hợp đồng trên cơ sở thỏa thuận hoặc trên cơ sở quy định của pháp luật, nếu chỉ một bên thực hiện xong nghĩa vụ của mình mà bên kia cũng chưa thực hiện nghĩa vụ của họ thì hợp đồng không được coi là hoàn thành.

Theo thỏa thuận của các bên

Pháp luật dân sự luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ hợp đồng nên pháp luật cho phép các bên có quyền thỏa thuận chấm dứt hợp đồng vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nếu pháp luật quy định các bên không được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thì các bên không được phép thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

Ví dụ: Theo quy định tại Điều 421 BLDS 2005:

“Khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý”.

Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện

Hợp đồng dân sự được xác lập mà các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh theo hợp đồng gắn liền với nhân thân thì khi cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt sẽ được coi là căn cứ chấm dứt hợp đồng.

Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện

Nguyên tắc chung, khi hợp đồng dân sự được giao kết thì các bên tiến hành thực hiện các nghĩa vụ phát sinh theo hợp đồng. Tuy nhiên, trong hợp đồng các bên có thể thỏa thuận hoặc pháp luật cũng có thể quy định, theo đó xuất hiện các căn cứ nhất định thì hợp đồng dân sự có thể bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện.

Hủy bỏ hợp đồng dân sự (Điều 425 BLDS 2005):

“1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

2. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

3. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền.

4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường thiệt hại”.

Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng (Điều 426 BLDS 2005):

“1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán.

4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại”.

Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại

Nếu đối tượng của hợp đồng không còn thì hợp đồng chấm dứt nhưng không làm chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng. Chính vì vậy, nếu đối tượng của hợp đồng không còn thì các bên có thể thỏa thuận thay thế đối tượng hoặc bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, hợp đồng dân sự có thể chấm dứt trong các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop