Điều 122. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.
Theo đó có thể xác định, một hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
Một là, chủ thể tham gia hợp đồng phải có năng lực chủ thể để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Năng lực chủ thể hay nói cách khác là năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Ngoài năng lực hành vi dân sự, trong thực tiễn hoạt động mua bán, chủ thể tham gia hợp đồng chủ yếu là thương nhân, do đó, khi tham gia hợp đồng mua bán nhằm mục đích lợi nhuận, các thương nhân phải đáp ứng điều kiện có đăng ký kinh doanh hợp pháp đối với hàng hóa được mua bán. Trường hợp mua bán sản phẩm, hàng hóa có điều kiện kinh doanh, thương nhân còn phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh đó theo quy định của pháp luật.
Hai là, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng không bị cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Pháp luật nghiêm cấm thương nhân và tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hoạt động có liên quan đến thương mại tại Việt Nam kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh được quy định cụ thể tại Phụ lục I Nghị định 59/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
Ba là, hợp đồng mua bán được giao kết đảm bảo các nguyên tắc của hợp đồng theo quy định của pháp luật. Việc quy định nguyên tắc giao kết hợp đồng nhằm đảm bảo sự thỏa thuận của các bên phù hợp với ý chí của họ, hướng đến lợi ích chính đáng của các bên đồng thời không xâm phạm đến những lợi ích mà pháp luật bảo vệ. Điều 389 Bộ luật dân sự, việc giao kết hợp đồng nói chung và hợp đồng mua bán phải tuân theo các nguyên tắc: tự do giao kết nhưng không trái pháp luật và đạo đức xã hội; tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.
Bốn là, hình thức của hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật. Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó. Theo đó, đối với những trường hợp pháp luật quy định hợp đồng phải được lập bằng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương thì các bên phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Nếu các bên không lập bằng văn bản thì đó có thể được coi là căn cứ tuyên bố hợp đồng vô hiệu.
Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY