Hai tên cướp chém cảnh sát 113

05/01/2018

1. Nội dung vụ việc
Khoảng 23h20 ngày 4/9/2014 thiếu úy Thịnh (thuộc Đội cảnh sát 113 thuộc Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Khánh Hoà) đi trên đường Lê Hồng Phong thì nghe tri hô "cướp, cướp" của hai phụ nữ. Anh đuổi theo hai thanh niên đang đi xe máy rú ga, lạng lách phía trước, người ngồi sau cầm chiếc túi xách màu trắng.

Truy đuổi được khoảng  2km, thiếu úy Thịnh ép được xe và đạp ngã hai thanh niên. Vừa đứng dậy, hai tên này đã cầm mã tấu xông vào chém anh Thịnh khiến anh bị trọng thương, sau đó chúng lên xe tẩu thoát.
Đến ngày 21/9, cảnh sát điều tra đã bắt được hai đối tượng trên. Theo thông ban đầu, hai đối tượng gây ra vụ án là Trần Quý Nhuận (21 tuổi) và Trần Tuấn Vinh (17 tuổi). Khám xét nhà của chúng, cảnh sát thu được kiếm, dao, roi điện, súng điện, khiên, áo giáp, các thiết bị bảo vệ tay chân chống sát thương, nhiều giỏ xách phụ nữ…
2. Nhận định pháp lý
Theo nhận định, Nhuận và Vinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hai tội danh là tội “cướp giật tài sản” Điều 136 và tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” Điều 104 Bộ luật hình sự.
2.1. Tội cướp giật tài sản
Khoản 1 Điều 136 quy định cấu thành tội này như sau: “Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì…”. Ở đây, dấu hiệu đặc trưng của tội cướp giật là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách bất ngờ, nhanh chóng khiến nạn nhân không có cách nào để ngăn chặn hay chống cự.
Theo vụ việc, Nhuận và Vinh đèo nhau trên xe máy đi trên đường Lê Hồng Phong, sau đó có hành vi giật túi xách của hai người phụ nữ rồi phóng xe lạng lách bỏ chạy. Những hành vi đó thể hiện sự nhanh chóng, bất ngờ chiếm đoạt tài sản của hai người phụ nữ, đủ yếu tố cấu thành “tội cướp giật tài sản” theo Điều 136 Bộ luật hình sự. Có lưu ý là tội cướp giật tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức nên chỉ cần có hành vi phạm tội là có thể truy cứu trách nhiệm hình sự mà không cần xét đến giá trị của tài sản chiếm đoạt được.
Trần Quý Nhuận và Trần Tuấn Vinh có thể bị truy cứu theo điểm a khoản 2 Điều 136 với tình tiết định khung là: “có tổ chức” bởi Nhuận và Vinh có sự cấu kết phạm tội chặt chẽ, phân công rõ ràng một người lái xe, một người giật túi xách.

(ảnh minh họa: hai tên cướp chém cảnh sát 113)
2.2. Tội cố ý gây thương tích và gây tổn hại cho sức khỏe người khác
Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự:
“Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì...:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân”.
Ở đây, theo nội dung vụ việc, anh Thịnh ép xe và đạp ngã hai Nhuận và Vinh. Sau đó, hai tên này đứng dậy cầm mã tấu chém anh Thịnh bị trong thương rồi lên xe bỏ trốn. Đây là hành vi cố ý gây ra thương tích cho anh Thịnh, đẩy đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” theo Điều 104 Bộ luật hình sự.
Cơ quan điều tra cần giám định tỷ lệ thương tật cụ thể đối với anh Thịnh thì mới có thể xác định được khung hình phạt có thể áp dụng đối với Nhuận và Vinh.
2.3. Mức hình phạt áp dụng đối với Trần Quý Nhuận và Trần Tuấn Vinh
Theo thông tin thì Nhuận đã 21 tuổi còn Vinh mới 17 tuổi. Như vậy, khi áp dụng hình phạt thì Nhuận sẽ phải chịu mức hình phạt như đối với người đã thành niên phạm tội.
Còn đối với Vinh do mới 17 tuổi nên sẽ áp dụng các quy định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội (từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi). Cụ thể theo khoản 5 Điều 69 Bộ luật hình sự quy định:
“5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội.
Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.
Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội”.
Khoản 1 Điều 74 quy định về tù có thời hạn:
“1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư  mức phạt tù mà điều luật quy định”.
Do hai đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội danh nên việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội được áp dụng theo Điều 50 Bộ luật hình sự. Theo đó, Tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định.

Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop