Hợp đồng vay tài sản

05/01/2018

Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định

Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, nhu cầu huy động vốn trở nên vô cùng cấp bách và hợp đồng vay tiền được coi là công cụ pháp lý hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu đó. Hợp đồng vay tài sản có thể được xác lập giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với các tổ chức kinh tế và với các tổ chức tín dụng… Các hiện tượng lừa đảo trong quan hệ vay tiền, hay việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ trong các hợp đồng vay diễn ra với số lượng lớn do việc không chặt chẽ ngay từ khâu giao kết hợp đồng vay. Quan hệ vay tiền xuất phát từ lòng tin tưởng lẫn nhau nhưng để đảm bảo cho quan hệ đó đòi hỏi bên cho vay phải xác nhận các thông tin liên quan đến nhân thân, khả năng tài chính, mục đích sử dụng tiền của bên cho vay.
Hợp đồng vay tiền là một dạng của hợp đồng vay tài sản. Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Hình thức của hợp đồng vay tài sản: Hợp đồng vay tài sản có thể được lập dưới hình thức miệng hoặc văn bản hoặc các bên có thể thỏa thuận lập dưới hình thức văn bản có công chứng, chứng thực.
Quyền sở hữu đối với tài sản vay (Điều 472 BLDS)
Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó. Giấy biên nhận tiền vay là một bằng chứng cho việc tài sản vay đã được chuyển giao.
Nghĩa vụ của bên cho vay (Điều 473 BLDS)
Bên cho vay có các nghĩa vụ sau đây:
1. Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thoả thuận;
2. Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó;
3. Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 478 của Bộ luật này.
Nghĩa vụ trả nợ của bên vay (Điều 474 BLDS)
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.
5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Sử dụng tài sản vay (Điều 475 BLDS)
Các bên có thể thoả thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay; bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn, nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.
Lãi suất (Điều 476 BLDS)
1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Có thể hiểu lãi suất trong Hợp đồng vay tài sản là tỷ lệ nhất định mà bên vay phải trả thêm vào số tài sản hoặc số tiền đã vay tính theo đơn vị thời gian. Mức lãi suất trong hợp đồng vay do các bên thỏa thuận không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại cho vay tương ứng.
Ví dụ: mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định đối với loại cho vay ngắn hạn là 1,2%/tháng thì các bên chỉ được thỏa thuận lãi suất cao nhất là 1,8%/tháng.
Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn (Điều 477 BLDS)
1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, nếu không có thoả thuận khác.
2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.
Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn (Điều 478 BLDS)
Kỳ hạn của hợp đồng vay tài sản có thể được xác định bằng một khoảng thời gian cụ thể hoặc bằng một sự kiện.
1. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.
2. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, nếu không có thoả thuận khác.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop