Tội hành hạ người khác

05/01/2018

Thời gian gần đây, có nhiều vụ án hành hạ, đánh đập người khác trong thời gian dài được phát hiện gây xôn xao dư luận. Những vụ việc đó không chỉ gây căm phẫn trong dư luận mà còn làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương. Người phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự cho những hành vi mà mình gây ra.

1. Khoản 1 Điều 110 Bộ luật hình sự
Khoản 1 Điều 110 Bộ luật hình sự quy định:
“1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Trước hết, cần hiểu hành hạ người khác là gì? Có thể hiểu, hành hạ người khác là hành vi của một người đối xử tàn ác với người lệ thuộc vào mình lặp đi lặp lại nhiều lần gây đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần cho người bị hành hạ.
a) Về phía người phạm tội
Người phạm tội có những hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình; ví dụ như thường xuyên đánh đập, dùng roi đánh, lấy củi than nóng dí vào da thịt, cắt tóc, quần áo…Những hành vi này lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng, vài năm. Việc đối xử tàn ác này có thể được giữ kín, không ai biết hoặc người khác có biết, đã nhắc nhở những vẫn tiếp tục thực hiện…
Lưu ý, hành vi đối xử tàn ác đối với người khác có thể gây thương tích cho người bị hành hạ nhưng chưa đến mức truy cứu theo Điều 104 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe. Về hành vi khách quan thì tội này gần tương tự tội bức tử theo Điều 100 tuy nhiên có điểm khác biệt cơ bản là ở tội Bức tử, nạn nhân tự sát, còn tội hành hạ người khác thì nạn nhân không có hành vi tự sát.
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.
b) Về phía người bị hại
Người bị hại phải là người có mối quan hệ lệ thuộc vào người phạm tội. Mối quan hệ lệ thuộc có thể cả về thể chất và tinh thần. Ví dụ như quan hệ công tác (chủ sở dụng lao động và người lao động); quan hệ thầy trò; quan hệ tôn giáo; quan hệ ông chủ với người làm công…Lưu ý, những mối quan hệ như vợ chồng, quan hệ huyết thống (ông bà, anh chị em), quan hệ nuôi dưỡng (cha mẹ nuôi với con nuôi, người đỡ đầu với người được đỡ đầu…) thì thuộc đối tượng của tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo điều 151 Bộ luật hình sự.
Thông thường, những người bị hành hạ không dám kêu, không phản ứng chống lại mà cam tâm chịu đựng. Họ chỉ tố cáo khi không còn mối quan hệ lệ thuộc; được vận động tố cáo hoặc người khác tố cáo hộ.
2. Khoản 2 Điều 110 Bộ luật hình sự
Khoản 2 Điều 110 quy định:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;
b) Đối với nhiều người”.
Tiểu mục 2.2, 2.3 và 2.4 nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP quy định:
“2.2. "Trẻ em" được xác định là người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 1 của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
2.3. "Phụ nữ có thai" được xác định bằng các chứng cứ chứng minh là người phụ nữ đó đang mang thai, như: bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai. Trong trường hợp thực tế khó nhận biết được người phụ nữ đó đang có thai hay không hoặc giữa lời khai của bị cáo và người bị hại về việc này có mâu thuẫn với nhau thì để xác định người phụ nữ đó có thai hay không phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định.
2.4. "Người già" được xác định là người từ 70 tuổi trở lên”.
Hiện tại chưa có một sự ghi nhận chính thức nào về khái niệm chính xác với từ “người tàn tật”, tuy nhiên, dựa vào Luật người khuyết tật 2010 thì theo khoản 1 Điều 2 về giải thích từ ngữ có thể hiểu tương tự như sau:
“Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.
Phạm tội đối với nhiều người theo điểm b khoản 2 là trường hợp đối xử tàn ác với từ hai người lệ thuộc mình trở lên. Việc đối xử tàn ác với nhiều người có thể diễn ra trong cùng một khoảng thời gian hoặc có thể không cùng một khoảng thời gian. Cụ thể:
Ví dụ 1: A thuê B và C ở dưới quê lên làm việc nhà cho mình, A đối xử tàn ác với cả B và C trong khoảng thời gian dài. B và C sợ không dám tố cáo, cam tâm chịu đựng. Người dân xung quanh nhà A phát hiện và tố cáo A. Khi đó A sẽ bị truy cứu theo điểm b khoản 2 về hành vi hành hạ đối với nhiều người.
Ví dụ 2: A thuê B làm việc cho mình. A đối xử tàn ác với B trong thời gian dài. Một hôm B bỏ trốn được nhưng vì sợ hãi nên không dám tố cáo A. Sau đó, A tiếp tục thuê C làm việc cho mình rồi lại tiếp tục hành hạ C. C tố cáo A về hành vi hành hạ người khác. Trong quá trình điều tra, phát hiện trước đó C đã từng hành hạ B nên A sẽ bị truy cứu theo điểm b khoản 2 về hành vi hành hạ đối với nhiều người.
* Lưu ý, ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người phạm tội còn có thể phải bồi thường thiệt hại cho người bị hành hạ theo các quy định của Bộ luật dân sự 2005.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop