Xử lý yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật

05/01/2018

Khi xem xét, giải quyết yêu cầu có liên quan đến việc hủy kết hôn trái pháp luật, Tòa án phải căn cứ vào yêu cầu của đương sự và điều kiện kết hôn, điều kiện công nhận quan hệ hôn nhân quy định tại Điều 8 và Điều 11 của Luật hôn nhân và gia đình để quyết định

Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình quy định:
“1. Khi xem xét, giải quyết yêu cầu có liên quan đến việc hủy kết hôn trái pháp luật, Tòa án phải căn cứ vào yêu cầu của đương sự và điều kiện kết hôn, điều kiện công nhận quan hệ hôn nhân quy định tại Điều 8 và Điều 11 của Luật hôn nhân và gia đình để quyết định.
2. Trường hợp tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không có đủ điều kiện kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình thì Tòa án xử lý như sau:
a) Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn có đủ điều kiện kết hôn.
Ví dụ 1: Anh A sinh ngày 25-01-1996, chị B sinh ngày 10-01-1995. Ngày 08-01-2015, anh A và chị B đăng ký kết hôn. Ngày 25-9-2016, Tòa án mở phiên họp giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Tại phiên họp, anh A và chị B đều yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân, nếu xét thấy đã đủ các điều kiện kết hôn khác thì Tòa án xem xét công nhận quan hệ hôn nhân của anh A và chị B kể từ thời điểm cả anh A và chị B đủ tuổi kết hôn, tức là kể từ ngày 25-01-2016.
Ví dụ 2: Anh A và chị B đăng ký kết hôn hợp pháp ngày 05-7-2009 và chưa ly hôn. Ngày 10-5-2012, anh A lại kết hôn với chị C. Ngày 12-6-2014, chị B chết. Ngày 15-5-2015, Tòa án mở phiên họp giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa anh A và chị C. Tại phiên họp, anh A và chị C đều yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân, nếu xét thấy đã đủ các điều kiện kết hôn khác thì Tòa án xem xét công nhận quan hệ hôn nhân của anh A và chị C kể từ thời điểm chị B chết, tức là ngày 12-6-2014.
Ví dụ 3: Ngày 27-5-2009, chị A bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Ngày 30-9-2009, chị A kết hôn với anh B. Ngày 12-8-2012, Tòa án quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố chị A mất năng lực hành vi dân sự. Ngày 12-02-2015, Tòa án mở phiên họp giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Tại phiên họp, chị A và anh B đều yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân, nếu xét thấy đã đủ các điều kiện kết hôn khác thì Tòa án xem xét công nhận quan hệ hôn nhân của chị A và anh B kể từ thời điểm chị A không còn bị mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
b) Nếu một hoặc hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc có một bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia không có yêu cầu thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật. Trường hợp có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết thì quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm kết hôn đến thời điểm hủy việc kết hôn trái pháp luật được giải quyết theo quy định tại Điều 12 của Luật hôn nhân và gia đình.
c) Trường hợp hai bên cùng yêu cầu Tòa án cho ly hôn hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trường hợp này, quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con từ thời điểm kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm kết hôn đến trước thời điểm đủ điều kiện kết hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm đủ điều kiện kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 59 của Luật hôn nhân và gia đình.
3. Trường hợp hai bên đã đăng ký kết hôn nhưng tại thời điểm Tòa án giải quyết hai bên kết hôn vẫn không có đủ các điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình thì thực hiện như sau:
a) Nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;
b) Nếu một hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn hoặc yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án bác yêu cầu của họ và quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Trường hợp quyết định theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản này thì Tòa án áp dụng quy định tại Điều 12 của Luật hôn nhân và gia đình để giải quyết hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật.
4. Khi xử lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, Tòa án phải căn cứ vào quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình có hiệu lực tại thời điểm xác lập quan hệ hôn nhân để xác định việc kết hôn có trái pháp luật hay không. Trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu xử lý việc kết hôn trái pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình và pháp luật tố tụng dân sự có hiệu lực tại thời điểm giải quyết. Đối với yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thuộc trường hợp cán bộ và bộ đội miền Nam tập kết ra miền Bắc từ năm 1954, đã có vợ, có chồng ở miền Nam mà lấy vợ, lấy chồng ở miền Bắc thì vẫn xử lý theo Thông tư số 60/TATC ngày 22-02-1978 của Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn giải quyết các trường hợp cán bộ, bộ đội trong Nam tập kết ra Bắc mà lấy vợ, lấy chồng khác”.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop