Căn cứ hủy phán quyết Trọng tài

05/01/2018

Khi có căn cứ cho rằng phán quyết Trọng tài thuộc một trong các trường hợp có thể bị hủy bỏ thì theo đơn yêu cầu của một bên, Tòa án xem xét việc hủy bỏ phán quyết Trọng tài

Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại 2010 quy định:
“1. Tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên.
2. Phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
b) Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;
c) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;
d) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;
đ) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
3. Khi Tòa án xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, nghĩa vụ chứng minh được xác định như sau:
a) Bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này có nghĩa vụ chứng minh Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong các trường hợp đó;
b) Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, Tòa án có trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài”.

Điều 14 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTPhướng dẫn thi hành một số quy định luật Trọng tài Thương mại quy định:
“1. Phán quyết trọng tài quy định tại khoản 10 Điều 3 và Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại bao gồm quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên của Hội đồng trọng tài quy định tại Điều 58 Luật Trọng tài Thương mại và phán quyết trọng tài của Hội đồng trọng tài quy định tại Điều 61 Luật Trọng tài Thương mại.
2. Tòa án hủy phán quyết trọng tài quy định tại Điều 58 và Điều 61 Luật Trọng tài Thương mại khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) “Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu” là thỏa thuận trọng tài thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 6 và Điều 18 Luật Trọng tài Thương mại và hướng dẫn tại các điều 2, 3 và 4 Nghị quyết này.
b) “Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định Luật Trọng tài Thương mại” là trường hợp các bên có thỏa thuận về thành phần Hội đồng trọng tài, quy tắc tố tụng trọng tài nhưng Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng thỏa thuận của các bên hoặc Hội đồng trọng tài thực hiện không đúng quy định Luật Trọng tài Thương mại về nội dung này mà Tòa án xét thấy đó là những vi phạm nghiêm trọng và cần phải hủy nếu Hội đồng trọng tài không thể khắc phục được hoặc không khắc phục theo yêu cầu của Tòa án quy định tại khoản 7 Điều 71 Luật Trọng tài Thương mại.
Ví dụ 1: Trường hợp một bên không được thông báo về đơn khởi kiện quy định tại Điều 32 Luật Trọng tài Thương mại kịp thời và hợp pháp theo quy tắc tố tụng trọng tài, Luật Trọng tài Thương mại dẫn tới việc không đảm bảo được quyền được thành lập Hội đồng trọng tài là trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trọng tài quy định tại điểm b khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại.
Ví dụ 2: Các bên thỏa thuận tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng trọng tài gồm ba trọng tài viên và áp dụng luật nội dung của Việt Nam để giải quyết vụ tranh chấp nhưng thực tế việc giải quyết tranh chấp được tiến hành bởi Hội đồng Trọng tài gồm một Trọng tài viên duy nhất, pháp luật áp dụng là pháp luật nội dung của Singapore mặc dù một bên có phản đối nhưng không được Hội đồng trọng tài chấp nhận thì đây là trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trọng tài quy định tại điểm b khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại.
c) “Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài” là trường hợp Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài Thương mại; hoặc Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp mà không được các bên thỏa thuận yêu cầu Trọng tài giải quyết hoặc giải quyết vượt quá phạm vi của thỏa thuận đưa ra Trọng tài giải quyết.
Về nguyên tắc, Tòa án chỉ hủy phần quyết định có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài mà không hủy phán quyết trọng tài. Trường hợp có thể tách được phần quyết định của Hội đồng trọng tài về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại Trọng tài, thì phần quyết định về vấn đề được yêu cầu giải quyết không bị huỷ.
Trường hợp không thể tách được phần quyết định của Hội đồng trọng tài về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại Trọng tài, thì Tòa án hủy phán quyết trọng tài đó.
d) “Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài”
Tòa án chỉ xem xét việc xác định chứng cứ giả mạo nếu có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó và chứng cứ đó phải có liên quan đến việc ra phán quyết, có ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết. Tòa án phải căn cứ vào quy định Luật Trọng tài Thương mại, quy tắc tố tụng trọng tài, thỏa thuận của các bên và quy tắc xem xét, đánh giá chứng cứ mà Hội đồng trọng tài áp dụng khi giải quyết vụ việc để xác định chứng cứ giả mạo.
đ) “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” là phán quyết vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam.
Khi xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án phải xác định được phán quyết trọng tài có vi phạm một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật và nguyên tắc đó có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp của Trọng tài.
Tòa án chỉ hủy phán quyết trọng tài sau khi đã chỉ ra được rằng phán quyết trọng tài có nội dung trái với một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam mà Hội đồng trọng tài đã không thực hiện nguyên tắc này khi ban hành phán quyết trọng tài và phán quyết trọng tài xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một hoặc các bên, người thứ ba.
Ví dụ 1: Các bên đã tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp và thỏa thuận này không trái pháp luật, đạo đức xã hội nhưng Hội đồng trọng tài không ghi nhận sự thỏa thuận đó của các bên trong phán quyết trọng tài. Trong trường hợp này phán quyết trọng tài đã vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết trong lĩnh vực thương mại quy định tại Điều 11 Luật Thương mại và Điều 4 của Bộ luật dân sự... Tòa án xem xét, quyết định việc hủy phán quyết trọng tài này vì trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam đã được Luật Thương mại và Bộ luật dân sự… quy định.
Ví dụ 2: Một bên tranh chấp cung cấp chứng cứ chứng minh phán quyết trọng tài được lập có sự cưỡng ép, lừa dối, đe dọa hoặc hối lộ. Trong trường hợp này phán quyết trọng tài đã vi phạm nguyên tắc “trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư” quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Trọng tài Thương mại”.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop