NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG KHI ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRÁI LUẬT

25/05/2018

Hiện nay, việc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật diễn ra khá phổ biến. Do vậy, để đảm bảo được quyền lợi của mình, người lao động cần phải nắm rõ các quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Trước hết, người lao động cần nắm rõ khi nào người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng trái pháp luật ?

Thứ nhất, người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 39 Bộ luật lao động 2012, cụ thể:

(1) Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

(2) Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.

(3). Lao động nữ  kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

(4) Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

(ảnh minh họa: Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật)

Thứ hai, người lao động vi phạm về thời hạn báo trước khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:

(1) không báo trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

(2) Không báo trước ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

(3) Không báo trước ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp người lao động bị tai nạn, ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Nghĩa vụ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của người sử dụng lao động được quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động 2012 như sau:

Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành về vấn đề trách nhiệm người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng trái pháp luật để Quý khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop