PHƯƠNG THỨC HÒA GIẢI TRANH CHẤP TRONG KINH DOANH

10/05/2018

Phương thức hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp, có sự tham gia của bên thứ ba độc lập do hai bên cùng chấp nhận hay chỉ định giữ vai trò là trung gian để hỗ trợ cho các bên tìm giải pháp thích hợp giúp chấm dứt những mâu thuẫn, xung đột đang tồn tại giữa các bên. Dưới đây là những phân tích về hòa giải ngoài tố tụng.

Bản chất của hòa giải được thể hiện qua các đặc trưng cơ bản sau đây:

Thứ nhất, việc giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng hòa giải đã có sự hiện diện của bên thứ ba làm trung gian để trợ giúp các bên tìm kiếm giải pháp tối ưu nhằm loại trừ tranh chấp. Tuy nhiên, bên thứ ba làm trung gian hòa giải không có quyền quyết định hay áp đặt bất cứ vấn đề gì nhằm ràng buộc các bên tranh chấp. Quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về các bên tranh chấp khi họ thống nhất được ý chí với nhau về giải quyết vụ tranh chấp trên cơ sở hướng dẫn, trợ giúp người thứ ba làm trung gian hòa giải.

Thứ hai, quá trình hòa giải các bên tranh chấp cũng không chịu sự chi phối bởi các quy định có tính khuôn mẫu, bắt buộc của pháp luật về thủ tục hòa giải.

Thứ ba, kết quả hòa giải được thực thi cũng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên tranh chấp mà không có bất kỳ cơ chế pháp lý nào đảm bảo thi hành những cam kết của các bên trong quá trình hòa giải. Có trường hợp hòa giải thành nhưng không thực hiện được.

Quá trình hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại, người thứ ba được các bên lựa chọn làm trung gian hòa giải có vai trò quan trọng và giữ vị trí trung tâm mặc dù quyết định cuối cùng vẫn thuộc về các bên tranh chấp. Với vị trí trung gian của hòa giải viên họ cần phải hội tụ những phẩm chất nhất định như: có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm thực tiễn và có sự độc lập với các bên tranh chấp. Người hòa giải không thể có lợi ích liên quan hoặc xung đột với lợi ích của các bên tranh chấp. Có như vậy, người thứ ba mới đủ uy tín và độ tin cậy cần thiết để các bên tranh chấp mời làm trung gian hòa giải.

(ảnh minh họa: hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại)

Để tiến hành hòa giải bất đồng đạt hiệu quả mong muốn, thông thường các bên tranh chấp cần tiến hành các bước sau:

Các bên tranh chấp trao đổi thông tin, tài liệu, những vấn đề liên quan để làm rõ yêu cầu cũng như khả năng, vị thế của mỗi bên đồng thời thương thảo lựa chọn bên làm trung gian hòa giải nếu các bên chưa có thỏa thuận hoặc mới có thỏa thuận mang tính nguyên tắc về trung gian hòa giải.

Các bên có thể xác định một thủ tục (quy trình) tiến hành hòa giải qua trung gian. Nếu không có thỏa thuận về vấn đề này thì có thể hiểu một thủ tục linh hoạt, mềm dẻo đã được các bên trao cho người trung gian hòa giải có toàn quyền quyết định. Trong trường hợp này, người trung gian hòa giải cần giải thích cho các bên tranh chấp biết về bản chất của thủ tục hòa giải cũng như những quy ước chủ yếu được áp dụng trong quá trình hòa giải mà các bên phải tuân thủ như: phải giữ thái độ hòa hảo đối với nhau, tôn trọng và biết lắng nghe quyền trình bày của người khác,…

Các bên trình bày ý kiến, quan điểm của mình về nội dung vụ tranh chấp, lắng nghe ý kiến của người khác và đề xuất phương án giải quyết tranh chấp.

Người trung gian hòa giải phải xem xét, phân tích, đánh giá các tình tiết của vụ việc, làm sáng tỏ vị thế của các bên tranh chấp. Khi cần thiết, người trung gian hòa giải có thể gặp gỡ, trao đổi riêng với một hoặc các bên tranh chấp để phân tích thuyết phục các bên. Các ý kiến, nhận xét, bình luận và đề xuất những giải pháp có thể lựa chọn của người trung gian hòa giải chỉ có tính chất khuyến nghị, tham vấn đối với các bên tranh chấp.

Trên cơ sở những phân tích, đánh giá và khuyến nghị của trung gian hòa giải về các giải pháp cần lựa chọn, nếu các bên thỏa thuận được về phương án giải quyết tranh chấp thì nội dung sự thỏa thuận phải được ghi nhận bằng văn bản có đầy đủ chữ ký xác nhận của đại diện các bên và người trung gian hòa giải. Văn bản thỏa thuận này có giá trị ràng buộc đối với các bên và các bên phải tôn trọng, tự nguyện thực hiện như đã cam kết.

Ưu điểm của phương thức hòa giải

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải có nhiều ưu điểm như phương thức thương lượng bởi tính đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, sự linh hoạt, hiệu quả và ít tốn kém. Bên cạnh những ưu điểm đó, hòa giải còn có ưu điểm vượt trội đó là có sự tham gia của người thứ ba. Người thứ ba được các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp là người có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm, am hiểu lĩnh vực và vấn đề đang tranh chấp. Khi hiểu rõ được nguyên nhân, hoàn cảnh phát sinh mâu thuẫn cũng như quan điểm, nhận thức mỗi bên, họ sẽ biết cách làm cho ý chí của mỗi bên dễ gặp nhau trong quá trình đàm phán để loại trừ tranh chấp. Ngoài ra, kết quả hòa giải thành được ghi nhận và chứng kiến bởi người thứ ba nên mức độ tôn trọng và tự nguyện tuân thủ các cam kết đã đạt được trong quá trình hòa giải của các bên cũng cao hơn so với phương thức thương lượng.

Nhược điểm của phương thức hòa giải

Nền tảng của hòa giải vẫn được quyết định trên cơ sở ý chí thỏa thuận cũng như sự tự nguyện thi hành của mỗi bên tranh chấp, bởi vậy, dù có sự trợ giúp của bên trung gian hòa giải mà một bên không trung thực thiếu sự thiện chí hợp tác trong quá trình đàm phán thì hòa giải cũng khó có thể đạt được kết quả như mong đợi. Ngoài ra, trong quá trình hòa giải các bên phải trao đổi, cung cấp thông tin với người thứ ba về hoạt động kinh doanh của mỗi bên liên quan đến vụ tranh chấp nên uy tín cũng như bí mật trong kinh doanh của mỗi bên dễ bị ảnh hưởng hơn phương thức thương lượng. Bên cạnh đó, chi phí cho quá trình giải quyết tranh chấp bằng hòa giải cũng tốn kém hơn so với thương lượng, bởi một hoặc các bên phải trả khoản dịch vụ phí cho người thứ ba làm trung gian hòa giải.

Ngoài ra khi nhắc đến hòa giải còn có hòa giải trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, hòa giải trong tố tụng là việc hòa giải được tiến hành tại tòa án hoặc trọng tài khi các cơ quan này giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các bên. Việc hòa giải được tiến hành sau khi các bên đã đưa tranh chấp ra yêu cầu giải quyết tại một cơ quan tài phán của nhà nước hoặc một tổ chức có chức năng giải quyết tranh chấp. Đặc điểm hòa giải trong tố tụng có căn cứ là pháp luật quy định bên trung gian có quyền đưa ra thẩm quyền phán xét.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành về hòa giải để giải quyết tranh chấp trong kinh doanh để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop