THỦ TỤC ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC XÁC ĐỊNH CÓ QUỐC TỊCH VIỆT NAM

02/08/2018

Quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam?

Căn cứ Điều 20 Nghị định 78/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quốc tịch (sửa đổi bổ sung tại Nghị định 97/2014/NĐ-CP) có quy định thủ tục đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam như sau:
“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có yêu cầu xác định quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam thì lập “Tờ khai đăng ký xác định quốc tịch và cấp hộ chiếu Việt Nam” theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này, kèm theo 4 ảnh 4 cm x 6 cm chụp chưa quá 6 tháng và bản sao của hai loại giấy tờ sau đây:

a) Một trong các giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó như giấy tờ tùy thân, thẻ căn cước, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ khác có giá trị chứng minh về nhân thân;

b) Một trong các giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều 19 của Nghị định này.

2. Trường hợp Người yêu cầu xác định quốc tịch trực tiếp nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Nghị định này thì chỉ cần nộp bản sao giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này và xuất trình bản chính để đối chiếu; nếu gửi hồ sơ qua đường bưu điện cho Cơ quan đại diện thì bản sao giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này phải là bản sao có chứng thực.

(ảnh minh họa: thủ tục đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam)

3. Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đại diện cấp giấy biên nhận cho Người yêu cầu xác định quốc tịch, trong đó ghi rõ địa điểm, thời gian tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ kèm theo và thời gian trả lời kết quả; trường hợp tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện, Cơ quan đại diện gửi giấy biên nhận cho người đó qua đường bưu điện.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đại diện nghiên cứu, so sánh, đối chiếu thông tin trong hồ sơ với thông tin trong Tờ khai. Nếu có căn cứ để xác định người đó có quốc tịch Việt Nam thì ghi vào Sổ đăng ký xác định quốc tịch Việt Nam theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này là người đó có quốc tịch Việt Nam. Trường hợp người đó yêu cầu cấp hộ chiếu Việt Nam, Cơ quan đại diện làm thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam cho họ hoặc thông báo cho họ đến Cơ quan đại diện để làm thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam, nếu nhận hồ sơ qua đường bưu điện.

Đối với trường hợp chỉ yêu cầu xác định có quốc tịch Việt Nam mà không yêu cầu cấp hộ chiếu Việt Nam, sau khi ghi vào sổ đăng ký là người đó có quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đại diện cấp cho họ bản trích lục theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này xác nhận về việc người đó đã được xác định có quốc tịch Việt Nam, trong đó ghi rõ mục đích và thời hạn sử dụng bản trích lục.

Nếu sau này người đó có yêu cầu cấp hộ chiếu Việt Nam, Cơ quan đại diện căn cứ thông tin trong sổ đăng ký, có văn bản gửi Bộ Ngoại giao để đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an tra cứu, xác minh và cho ý kiến.

4. Trong trường hợp Cơ quan đại diện thấy chưa đủ căn cứ tin cậy để xác định quốc tịch Việt Nam thì thực hiện như sau:

a) Đối với trường hợp Người yêu cầu xác định quốc tịch sinh ra tại Việt Nam và đã có thời gian thường trú tại Việt Nam:

Cơ quan đại diện nghiên cứu, so sánh thông tin trên Tờ khai với thông tin trên giấy tờ về nhân thân và các giấy tờ khác liên quan kèm theo, nếu thấy có thông tin là cơ sở để xác minh quốc tịch Việt Nam của người đó (như: Giấy tờ có ghi họ tên Việt Nam; nơi sinh, nơi đã đăng ký hộ tịch ở Việt Nam; cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ quan, tổ chức đã làm việc, địa chỉ đã cư trú ở Việt Nam trước khi xuất cảnh; họ tên, địa chỉ thân nhân ở Việt Nam) thì gửi văn bản kèm theo các giấy tờ đó cho Bộ Ngoại giao để đề nghị Bộ Công an, Bộ Tư pháp xác minh theo quy định tại Khoản 5 Điều này.

Sau khi nhận được kết quả xác minh và thấy có căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đại diện ghi vào sổ đăng ký là người đó có quốc tịch Việt Nam; việc cấp hộ chiếu hoặc cấp trích lục về việc người đó đã được xác định có quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều này.

Trường hợp cơ quan trong nước không có căn cứ để xác định quốc tịch thì Cơ quan đại diện trả lời bằng văn bản cho Người yêu cầu xác định quốc tịch biết là không có căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam của người đó.

b) Đối với trường hợp Người yêu cầu xác định quốc tịch sinh ra ở nước ngoài và chưa bao giờ thường trú tại Việt Nam:

Cơ quan đại diện nghiên cứu các giấy tờ về nhân thân và các giấy tờ khác liên quan kèm theo, nếu có những thông tin là cơ sở để xác minh quốc tịch Việt Nam của người đó thì tiến hành phỏng vấn, kiểm tra hoặc xác minh để làm rõ. Căn cứ vào hồ sơ và kết quả phỏng vấn, xác minh, nếu có căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đại diện ghi vào sổ đăng ký là người đăng ký có quốc tịch Việt Nam; việc cấp hộ chiếu hoặc cấp trích lục về việc người đó đã được xác định có quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều này.

Trường hợp không có căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đại diện trả lời bằng văn bản cho Người yêu cầu xác định quốc tịch biết là không có căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam của người đó.

5. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh quốc tịch theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này, Bộ Ngoại giao gửi văn bản cho Bộ Công an hoặc Bộ Tư pháp đề nghị xác minh, tra cứu.

6. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Bộ Công an, Bộ Tư pháp thực hiện việc xác minh, tra cứu và trả lời kết quả cho Bộ Ngoại giao.

Sau khi nhận được văn bản trả lời của Bộ Công an, Bộ Tư pháp về kết quả xác minh, tra cứu, Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản kết quả xác minh, tra cứu cho Cơ quan đại diện để hoàn tất việc xác định có hay không có quốc tịch Việt Nam”.

Trên đây là các nội dung tư vấn về vấn đề đăng ký để được xác định quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 1900 6179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop