THỦ TỤC XÁC ĐỊNH XE THUỘC DIỆN KHÔNG CHỊU PHÍ, ĐƯỢC BÙ TRỪ HOẶC TRẢ LẠI TIỀN PHÍ ĐÃ NỘP

03/08/2018

Dưới đây là tư vấn của Luật Huy Thành về thủ tục xác định xe thuộc diện không chịu phí, được bù trừ hoặc trả lại tiền phí đã nộp theo pháp luật hiện hành.

Căn cứ Quyết định 2080/QĐ-BTC năm 2016 công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ tài chính có quy định vấn đề xác định xe thuộc diện không chịu phí, được bù trừ hoặc trả lại tiền phí đã nộp như sau:

1. Trình tự thực hiện

1.1. Xe ô tô (trừ xe ô tô của lực lượng quốc phòng và công an) trong các trường hợp sau đây đã nộp phí sử dụng đường bộ thì chủ phương tiện được trả lại phí đã nộp hoặc trừ vào số phí phải nộp kỳ sau:

a) Bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai.

b) Bị tịch thu hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe.

c) Bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên.

d) Xe kinh doanh vận tải thuộc các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên.

đ) Xe ô tô không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ, chỉ sử dụng trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã như: nhà ga, cảng, khu khai thác khoáng sản, nông, lâm nghiệp và xe ô tô dùng để sát hạch của tổ chức đào tạo dạy nghề lái xe.

e) Xe ô tô đăng ký, đăng kiểm tại Việt Nam nhưng hoạt động tại nước ngoài liên tục từ 30 ngày trở lên;

g) Xe ô tô bị mất trộm trong thời gian từ 30 ngày trở lên.

1.2. Đối với xe ô tô tại điểm d và điểm đ mục 1.1 nêu trên, chủ phương tiện lập hồ sơ gửi Sở Giao thông vận tải.

Sở Giao thông vận tải kiểm tra hồ sơ: Trường hợp chưa đủ điều kiện thì ra thông báo trả lại cho doanh nghiệp để hoàn thiện lại hồ sơ. Trường hợp đủ điều kiện, Sở Giao thông vận tải ký xác nhận vào Đơn xin tạm dừng lưu hành/Đơn xin xác nhận xe không tham gia giao thông, đồng thời lập Biên bản tạm giữ phù hiệu, biển hiệu (nếu có).

1.3. Đối với xe ô tô tại các điểm a, b, c, e và g mục 1.1 nêu trên, chủ phương tiện lập hồ sơ bù trừ hoặc trả phí gửi đơn vị đăng kiểm.

Đơn vị đăng kiểm kiểm tra tiếp nhận hồ sơ, đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận các tài liệu trong hồ sơ.

(ảnh minh họa: thủ tục xác định xe thuộc diện không chịu phí, được bù trừ hoặc trả lại tiền phí đã nộp)

2. Cách thức thực hiện

Nộp trực tiếp tại Sở Giao thông vận tải, đơn vị đăng kiểm.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ

3.1. Thành phần hồ sơ nộp tại Sở Giao thông vận tải

a) Trường hợp xe dừng lưu hành liên tục 30 ngày trở lên

- Đơn xin tạm dừng lưu hành theo mẫu tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư số 293/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

- Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô (bản sao).

b) Trường hợp xe ô tô không tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ

- Đơn đề nghị xác nhận xe ô tô không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ, chỉ sử dụng trong phạm vi đất thuộc quản lý của doanh nghiệp và xe dùng để sát hạch thuộc sở hữu của doanh nghiệp theo mẫu tại Phụ lục số 11 ban hành kèm theo Thông tư số 293/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

- Bản sao giấy đăng ký kinh doanh.

- Bản sao giấy đăng ký xe (của từng xe đề nghị).

3.2. Thành phần hồ sơ nộp tại đơn vị đăng kiểm

a) Trường hợp xe dừng lưu hành liên tục 30 ngày trở lên

Đơn xin tạm dừng lưu hành bản chính (có xác nhận của Sở Giao thông vận tải); biên bản tạm giữ phù hiệu, biển hiệu (đối với xe thuộc diện cấp biển hiệu, phù hiệu); biên lai thu phí sử dụng đường bộ (bản sao).

b) Trường hợp xe ô tô không tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ: Đơn đề nghị (có xác nhận của Sở Giao thông vận tải).

c) Trường hợp xe bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai; bị tịch thu hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên.

- Giấy đề nghị trả phí theo mẫu tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 293/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

- Bản phô tô (không cần công chứng, chứng thực) các giấy tờ chứng minh thời gian không được sử dụng phương tiện (như: Quyết định tịch thu xe của cơ quan có thẩm quyền, văn bản thu hồi giấy đăng ký và biển số xe).

- Bản phô tô biên lai thu phí (không cần công chứng, chứng thực). Trường hợp bị mất biên lai thu phí, chủ phương tiện đề nghị đơn vị đăng kiểm nơi nộp phí cấp lại bản sao biên lai thu phí.

- Riêng đối với xe ô tô bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên thì ngoài các giấy tờ nêu trên, chủ phương tiện còn phải cung cấp Biên bản thu tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định theo mẫu tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư số293/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

d) Trường hợp xe ô tô đăng ký, đăng kiểm tại Việt Nam nhưng hoạt động tại nước ngoài liên tục từ 30 ngày trở lên. Chủ phương tiện cung cấp giấy tờ chứng minh xe được xuất cảnh, nhập cảnh (được công chứng, chứng thực; nếu là bản phô tô thì mang bản gốc để đối chiếu) cho đơn vị đăng kiểm khi đăng kiểm.

đ) Trường hợp xe ô tô bị mất trộm trong thời gian từ 30 ngày trở lên chủ phương tiện phải xuất trình Tờ khai mất tài sản có xác nhận của cơ quan công an. Trường hợp tìm thấy phương tiện thì chủ phương tiện phải cung cấp cho đơn vị đăng kiểm Biên bản bàn giao tài sản do cơ quan công an thu hồi giao cho chủ phương tiện.

3.3. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời gian giải quyết

4.1. Tại Sở Giao thông vận tải

a) Trường hợp xe dừng lưu hành liên tục 30 ngày trở lên

- Trường hợp chưa đủ điều kiện thì ra Thông báo theo mẫu tại Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư số 293/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lại doanh nghiệp để hoàn thiện lại hồ sơ. Thời gian thực hiện 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn.

- Trường hợp đủ điều kiện, Sở Giao thông vận tải ký xác nhận vào Đơn xin tạm dừng lưu hành, đồng thời lập Biên bản tạm giữ phù hiệu, biển hiệu (nếu có) theo mẫu tại Phụ lục số 08 ban hành kèm theo Thông tư số 293/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; thời gian thực hiện 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn.

b) Trường hợp xe ô tô không tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ: Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, Sở Giao thông vận tải thông báo cho doanh nghiệp bổ sung hồ sơ chậm nhất trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện xem xét, Sở Giao thông vận tải tiến hành kiểm tra thực tế doanh nghiệp và xác nhận vào Đơn đề nghị nếu các phương tiện đủ điều kiện theo nội dung kê khai của doanh nghiệp, thời gian thực hiện chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ. Trường hợp kết quả kiểm tra không đúng với đơn đề nghị, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thiện lại hồ sơ, để Sở Giao thông vận tải xác nhận.

4.2. Tại đơn vị đăng kiểm

a) Trường hợp xe dừng lưu hành liên tục 30 ngày trở lên

- Trường hợp hồ sơ chưa phù hợp thì ra Thông báo theo mẫu tại Phụ lục số 09 ban hành kèm theo Thông tư số 293/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lại doanh nghiệp để hoàn thiện lại hồ sơ, thời gian thực hiện 02 ngày làm việc.

- Trường hợp đủ điều kiện thì lập Biên bản thu tem nộp phí sử dụng đường bộ theo mẫu tại Phụ lục số 13 ban hành kèm theo Thông tư số 293/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Thời gian thực hiện 02 ngày làm việc.

b) Trường hợp xe ô tô không tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ: Đơn vị đăng kiểm kiểm tra, đối chiếu với Đơn đề nghị có dấu xác nhận của Sở Giao thông vận tải, nếu phù hợp sẽ không thu phí sử dụng đường bộ đối với các xe này kể từ ngày Sở Giao thông vận tải xác nhận.

c) Trường hợp xe bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai; bị tịch thu hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên.

Trường hợp hồ sơ trả phí chưa đầy đủ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, đơn vị đăng kiểm phải thông báo cho người nộp hồ sơ để hoàn chỉnh.

Chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị trả phí, căn cứ hồ sơ đề nghị trả phí của chủ phương tiện, thủ trưởng đơn vị đăng kiểm ra Quyết định trả phí.

5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức và cá nhân.

6. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Đơn vị đăng kiểm, Sở Giao thông vận tải.

7. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định trả phí theo mẫu tại Phụ lục số 04, Thông báo về việc không được trả phí theo mẫu tại Phụ lục số 05, Thông báo không đủ điều kiện đăng ký tạm dừng lưu hành theo mẫu tại Phụ lục số 07 và Thông báo chưa đủ điêu kiện thuộc diện không chịu phí theo mẫu tại Phụ lục số 09 ban hành kèm theo Thông tư số 293/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”

Trên đây là tư vấn của Luật Huy Thành về vấn đề thủ tục trả lại hoặc bù trừ phí sử dụng đường bộ đã nộp để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.      

bttop