TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THÀNH LẬP TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC HÒA NHẬP

16/10/2018

Việc thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục. Vậy trình tự, thủ tục thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được quy định như thế nào?

1. Căn cứ pháp lý: Điều 12; Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 18; Điều 19 và Điều 20 Thông tư liên tịch số 58/2012/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Trình tự, thủ tục thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập

(1) Xây dựng đề án thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập.

Đề án thành lập Trung tâm do tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập xây dựng, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập.

Đề án thành lập bao gồm các nội dung sau đây:

+ Sự cần thiết và cơ sở pháp lý;

+ Mục tiêu, phạm vi đối tượng hoạt động, tên gọi của tổ chức;

+ Loại hình đơn vị sự nghiệp công lập;

+ Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn;

+ Cơ cấu tổ chức (nếu có quy mô lớn);

+ Cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động;

+ Dự kiến về nhân sự, số lượng người làm việc theo vị trí việc làm, kinh phí hoạt động, trụ sở làm việc và trang thiết bị, phương tiện cần thiết để bảo đảm cho đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động sau khi được thành lập;

+ Phương án tổ chức và lộ trình triển khai hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập;

+ Kiến nghị của cơ quan xây dựng đề án thành lập đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có);

+ Các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

(2) Lập tờ trình thành lập và trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập.

Tờ trình thành lập Trung tâm do tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập.

Nội dung tờ trình thành lập Trung tâm gồm các nội dung sau:

+ Quá trình xây dựng đề án;

+ Nội dung chính của đề án;

+ Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và những vấn đề có liên quan.

(3)  Lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan

Tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập gửi Đề án thành lập đến các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật và theo quy chế làm việc của cơ quan để lấy ý kiến bằng văn bản đối với việc thành lập Trung tâm.

(Ảnh minh họa: Trình tự, thủ tục thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập)

(4)  Hồ sơ thành lập Trung tâm

Hồ sơ thành lập Trung tâm gồm:

+ Hồ sơ thẩm định

* Đề án thành lập Trung tâm;

* Văn bản đề nghị, tờ trình thành lập Trung tâm, dự thảo Quyết định thành lập hoặc dự thảo Quyết định cho phép thành lập Trung tâm; dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm và các tài liệu khác có liên quan (giấy tờ đất đai, kinh phí, nguồn nhân lực);

* Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan về việc thành lập hoặc cho phép thành lập Trung tâm;

* Báo cáo giải trình việc tiếp thu ý kiến của các cơ quan có liên quan.

+ Hồ sơ trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập Trung tâm

* Văn bản thẩm định, văn bản tham gia góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức và các tài liệu khác có liên quan;

* Dự thảo Quyết định thành lập Trung tâm hoặc dự thảo Quyết định cho phép thành lập Trung tâm đã được hoàn chỉnh về nội dung và thể thức.

5. Trình tự gửi và tiếp nhận hồ sơ thành lập

+ Tổ chức, cá nhân gửi 01 (một) bộ hồ sơ thành lập Trung tâm đến Sở Nội vụ để thẩm định; đối với các cơ quan có liên quan để phối hợp hoặc để biết thì chỉ ghi tên các cơ quan đó vào mục nơi nhận của công văn hoặc tờ trình đề nghị thành lập.

+ Sở Nội vụ tổ chức tiếp nhận hồ sơ thành lập Trung tâm phải lập danh mục hồ sơ theo dõi quá trình xử lý theo quy định.

+ Hồ sơ gửi là văn bản chính được ký tên, đóng dấu của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập và các tài liệu khác có liên quan.

6.  Xử lý hồ sơ thành lập

+ Sở Nội vụ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xử lý hồ sơ thành lập Trung tâm theo quy chế làm việc của cơ quan để thẩm định và trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập Trung tâm theo quy định của pháp luật.

+ Đối với những vấn đề chưa rõ hoặc còn có ý kiến khác nhau thì Sở Nội vụ yêu cầu tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập có văn bản giải trình bổ sung để làm rõ và báo cáo Sở Nội vụ.

+ Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập hoàn tất hồ sơ và các thủ tục theo quy định, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập Trung tâm.

7. Thẩm định thành lập

+ Cơ quan, tổ chức thẩm định: Sở Nội vụ là cơ quan thẩm định thành lập Trung tâm;

+ Nội dung thẩm định:

* Sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc thành lập Trung tâm;

* Mục tiêu, phạm vi đối tượng, tên gọi, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn; cơ cấu tổ chức; cơ chế tài chính của Trung tâm;

* Điều kiện bảo đảm hoạt động đối với Trung tâm khi được thành lập;

* Tính khả thi của việc thành lập Trung tâm;

* Dự thảo Quyết định thành lập Trung tâm hoặc dự thảo Quyết định cho phép thành lập Trung tâm, dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm.

8. Quyết định thành lập

Căn cứ văn bản đề nghị thành lập, văn bản thẩm định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập Trung tâm.

9. Thời hạn giải quyết việc thành lập

+ Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (đúng thủ tục), Sở Nội vụ phải có văn bản thẩm định.

+ Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày Sở Nội vụ có văn bản thẩm định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra Quyết định thành lập hoặc Quyết định cho phép thành lập Trung tâm; trường hợp không đồng ý việc thành lập Trung tâm, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập Trung tâm biết rõ lý do.

Trên đây là các nội dung tư vấn về vấn đề trình tự, thủ tục thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập để Quý khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc gọi 1900 6179 yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop