Dùng vàng giả mua card điện thoại

05/01/2018

Sáng 9/9/2014, bà Tý đã đến Công an thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) để trình báo về vụ việc bị lừa bán card điện thoại.

Theo thông tin cung cấp, một người đàn ông trên 40 tuổi, đi xe máy đến quán của bà Nguyễn Thị Tý (phường Hương Văn, thị xã Hương Trà) để mua card điện thoại. Người này hỏi mua bốn card điện thoại Mobifone (mệnh giá 100.000 đồng/card) và năm card điện thoại Viettel (mệnh giá 100.000 đồng/card). Nghe vậy, bà Tý liền đưa chín card điện thoại (trị giá 900.000 đồng) cho khách.
Sau đó người đàn ông trên nói đang cần tiền để vào Công an thị xã Hương Trà (cách quán bà Tý khoảng 50 m) để giải quyết việc xe máy bị tạm giữ, đồng thời để lại một chiếc nhẫn vàng, một đồng hồ đeo tay mặt màu đen hiệu Rado để làm tin. Người đàn ông hứa 15 phút sau sẽ ra chuộc nhưng sau đó không quay lại.
Nghi ngờ nên bà Tý mang nhẫn vàng ra tiệm vàng kiểm tra thì phát hiện là vàng giả nên đến Công an trình báo.

Nhận định pháp lý
Theo nhận định, hành vi của người đàn ông trên có dấu hiệu cấu thành hành vi của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì…”
Ở đây, người đàn ông trên đã có hành vi dùng vàng giả để lấy niềm tin của bà Tý, lừa bà bán cho 9 card điện thoại với trị giá 900.000 đồng. Đó được coi là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, đủ yếu tố cấu thành của “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, việc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với người đàn ông trên hay không còn tuỳ thuộc vào quá trình điều tra của vụ việc cũng như nhân thân người phạm tội. Bởi, số tiền chiếm đoạt là 900.000 đồng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình theo quy định (từ hai triệu đồng trở lên); việc xác định hậu quả nghiêm trọng cũng như xác định xem người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản…phụ thuộc quá trình điều tra nhân thân người phạm tội thì mới có đủ cơ sở để xử lý theo chế tài hình sự được.
Trường hợp không xử lý hình sự được thì người đàn ông trên có thể bị xử lý theo chế tài hành chính. Theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 18 Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì hành vi: “Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện (khoản 3 Điều 18 của Nghị định) và người vi phạm còn có thể phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra (khoản 4 Điều 18 Nghị định).

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop