Phân tích pháp lý vụ Đi cướp để kiếm tiền xin việc

05/01/2018

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, Vương Văn Hải (sinh năm 1992, quê Nam Định) rủ Nguyễn Tấn Tài (sinh năm 1995) và Đỗ Văn Tiền (sinh năm 1994 cùng ngụ tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cùng đi cướp tài sản với mục đích kiếm tiền để xin việc. Trước khi đi cả nhóm chuẩn bị bình xịt hơi cay, mã tấu, dao và băng keo.

Hải thuê anh Nguyễn Tiến Lãi – làm nghề xe ôm, chở đến khu vực lô cao su thuộc xã Tân Lập, nơi Tiền, Tài đứng phục sẵn. Đến nơi Hải yêu cầu dừng xe để trả tiền, trong lúc anh Lãi đang trả tiền thừa thì bị Hải xịt hơi cay nên anh Lãi bỏ chạy. Nhóm này đuổi theo dùng cây đánh, khống chế, cướp xe máy và hơn 1 triệu đồng cùng điện thoại di động rồi bỏ trốn.
Ngay sau khi được người dân đi cạo mủ cao su giải cứu, anh Lãi đến trình báo công an. Qua hơn một tháng điều tra, công an đã bắt được được cả 3 đối tượng.
2. Nhận định pháp lý
– Theo nhận định, các đối tượng Hải, Tài, Tiền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản theo khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự với các tình tiết định khung là: “a) có tổ chức; d) sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác”.

– Khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự quy định cấu thành tội cướp tài sản:
“Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì…”.
Trong vụ việc, khi anh Lãi đang trả tiền thừa thì Hải xịt hơi cay vào anh Lãi làm anh phải bỏ chạy, sau đó Hải cùng Tiền, Tài đuổi theo anh Lãi, dùng cây đánh, khống chế anh Lãi rồi cướp đi xe máy, điện thoại di động cùng hơn 1 triệu đồng của anh.
Như vậy có thể thấy, hành vi của 3 đối tượng trên là đã dùng vũ lực tác động lên nạn nhân rồi cướp tài sản của nạn nhân bỏ trốn…Hành vi đó đã đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản được quy định trong điều luật.
– Hải, Tiền và Tài có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tình tiết định khung là “a) có tổ chức” và “d) sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác” của khoản 2 Điều 133 Bộ luật hình sự với khung hình phạt là từ bảy năm đến mười lăm năm tù giam.
+ Tình tiết “có tổ chức” theo điểm a:
Trong vụ việc, Hải, Tiền, Tài có sự cấu kết chặt chẽ, từ khâu chuẩn bị cũng như thực hiện hành vi phạm tội. Hải là chủ mưu vụ cướp rủ Tài và Tiền cùng tham gia. Các đối tượng đã có kế hoạch chuẩn bị từ trước: chuẩn bị bình xịt hơi cay, dao, mã tấu, băng keo…Hải là người trực tiếp thuê anh Lãi chở xe ôm đến địa điểm xác định; Tiền và Tài được phân công phục sẵn ở địa điểm hẹn để cùng thực hiện hành vi cướp.
Có thể thấy, sự cấu kết phân công nhiệm vụ chặt chẽ đó của 3 đối tượng là phạm tội “có tổ chức”.

+ Tình tiết “sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác theo điểm d:
Mục 2 Phần I Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP quy định:
“2. Về khái niệm "vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác" quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự
2.1. "Vũ khí" là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ).
2.2. "Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
a. Về công cụ, dụng cụ
Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...
b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra
Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ...
c. Về vật có sẵn trong tự nhiên
Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...
2.3. "Thủ đoạn nguy hiểm" 1à thủ đoạn đã được hướng dẫn tại điểm 5.1 mục 5 phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/ 12/2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật Hình sự năm 1999”.
Điểm 5.1 mục 5 phần I Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP quy định:
“5. Về tình tiết "sử dụng thủ đoạn nguy hiểm khác" hoặc "dùng thủ đoạn nguy hiểm".
5.1. "Thủ đoạn nguy hiểm khác" quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS là ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để thực hiện việc cướp tài sản, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đối với người bị tấn công hoặc những người khác như sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân; đầu độc nạn nhân; nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ; dùng dây chăng qua đường để làm cho nạn nhân đi mô tô, xe máy vấp ngã để cướp tài sản...”.
Trong vụ việc, các đối tượng đã chuẩn bị bình xịt hơi cay, dao, mã tấu, băng keo…đó được coi là những vũ khí và phương tiện nguy hiểm theo quy định. Thủ đoạn cướp của các đối tượng là Hải xịt hơi cay vào nạn nhân khiến nạn nhân bỏ chạy, sau đó Hải cùng Tiền, Tài đang đứng phục sẵn đuổi theo dùng cây đánh và khống chế nạn nhân, cướp tài sản. Những hành vi liên tiếp đó khiến nạn nhân không thể nào có cơ hội chống cự; còn có thể làm tổn hại đến sức khỏe của nạn nhân. Đó cũng có thể được coi là thủ đoạn nguy hiểm.

* Như vậy, qua phân tích thì có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự với Hải, Tiền, Tài theo các điểm a), điểm d) khoản 2 Điều 133 về tội cướp tài sản.

Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop