Quyền thừa kế giữa vợ chồng

05/01/2018

Do đặc thù quan hệ vợ chồng là chung sống cùng nhau, cùng tạo lập khối tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân; nếu vợ hoặc chồng muốn coi một tài sản nào đó là tài sản riêng thì phải chứng minh, nếu không chứng minh được thì đó tài sản chung. Do vậy, khi vợ hoặc chồng chết mà không để lại di chúc thì người còn lại có quyền cùng với những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (nếu có) được hưởng thừa kế theo pháp luật; và ở một chừng mực nào đó pháp luật còn ưu tiên trong một số trường hợp cụ thể

Điều 31 luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định về quyền thừa kế tài sản giữa vợ chồng:

1. Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế.

2. Khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thoả thuận cử người khác quản lý di sản.

3. Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Toà án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định; nếu hết thời hạn do Toà án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Toà án cho chia di sản thừa kế”.

– Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật thừa kế

Điều 669 Bộ luật dân sự 2005: “Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”.

Điều 680 Bộ luật dân sự 2005: “Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn, đã kết hôn với người khác

1. Trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

2. Trong trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

3. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản”.

– Mục 4 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định:

Ngoài việc quy định cụ thể về quyền thừa kế tài sản của nhau, quản lý tài sản khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết, khoản 3 Điều 31 còn quy định:

"Trong trường hợp yêu cầu chia tài sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Toà án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định; nếu hết thời hạn do Toà án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Toà án cho chia di sản thừa kế".

Khi áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 31 cần chú ý:

a. Việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình là trong trường hợp người chết có để lại di sản, nhưng nếu đem di sản này chia cho những người thừa kế được hưởng thì vợ hoặc chồng còn sống và gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống như: không có chỗ ở, mất nguồn tư liệu sản xuất duy nhất...

Ví dụ 1: Trước khi kết hôn anh A mua được một ngôi nhà cấp 4 có diện tích 25m2. Sau đó anh A kết hôn với chị B và không nhập ngôi nhà này vào khối tài sản chung của vợ chồng. Sau khi sinh được một người con thì anh A bị chết và không để lại di chúc. Bố mẹ của anh A yêu cầu chia di sản thừa kế là ngôi nhà của anh A. Chị B và con không có chỗ ở nào khác và cũng chưa có điều kiện để tạo lập chỗ ở khác. Ngôi nhà này lại không thể chia được bằng hiện vật. Trong trường hợp này việc chia di sản thừa kế là ngôi nhà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chị B và con.

Ví dụ 2: Anh C và chị D kết hôn với nhau và mua được ngôi nhà có diện tích 20m2. Sau khi sinh được một người con thì anh C bị chết và không để lại di chúc. Bố mẹ của anh C yêu cầu chia di sản do anh C để lại là phần nhà của anh C trong ngôi nhà này. Chị D và con không có chỗ ở nào khác, trong khi đó ngôi nhà này nếu chia bằng hiện vật thì không bảo đảm cho việc sinh hoạt tối thiểu của chị D và con; nếu buộc chị D phải thanh toán bằng tiền phần thừa kế mà bố mẹ anh C được hưởng thì chị D cũng không có khả năng. Trong trường hợp này việc chia di sản thừa kế phần nhà của anh C trong ngôi nhà có diện tích 20m2 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chị D và con.

b. Khi thuộc trường hợp tại điểm a mục này thì Toà án cần giải thích cho người có yêu cầu chia di sản thừa kế biết là họ mới chỉ có quyền yêu cầu xác định phần di sản mà họ được hưởng và họ chỉ có quyền yêu cầu chia di sản sau một thời hạn nhất định, cụ thể là ba năm, nếu trong thời hạn này bên còn sống là vợ hoặc chồng của người đã chết chưa kết hôn với người khác. Nếu họ có yêu cầu xác định phần di sản mà họ được hưởng thì Toà án thụ lý để giải quyết. Trong trường hợp này, nếu họ không được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, miễn án phí thì họ phải nộp tiền tạm ứng án phí như đối với vụ án không có giá ngạch.

c. Toà án thụ lý yêu cầu chia di sản thừa kế đối với trường hợp được nêu tại điểm a mục 4 này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

c.1. Hết thời hạn do Toà án xác định;

c.2. Bên còn sống đã kết hôn với người khác.

Trong trường hợp này, nếu đương sự không được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, miễn án phí thì họ phải nộp tiền tạm ứng án phí, nộp án phí như đối với vụ án có giá ngạch”.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop