Bị hại khai báo gian dối có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

20/06/2023

Tôi là người làm chứng và được triệu tập để làm việc tại cơ quan công an. Tôi có đọc lời khai của bị hại và thấy lời khai rất khác so với thực tế khách quan. Vậy, trường hợp bị hại khai báo gian dối thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Mong Luật sư giải đáp giúp tôi.

Chào bạn, về vấn đề bị hại khai báo gian dối có bị xử lý như thế nào? mà bạn đang thắc mắc, Tổng đài tư vấn miễn phí Luật Huy Thành xin được tư vấn cho bạn như sau:

Điều 382 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối. Cụ thể:

“1. Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội.

(Ảnh minh họa: Bị hại khai báo gian dối có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?)

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Đồng thời, Điều 15 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về xác định sự thật vụ án như sau:

“Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.”

Như vậy, hiện pháp luật hình sự chỉ quy định những người hỗ trợ cho hoạt động tố tụng tại khoản 1 Điều 382 ở trên thì mới bị xử lý khi có hành vi khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật. Tuy nhiên, hành vi khai báo gian dối của bị hại nếu đủ yếu tố cấu thành tội vu khống thì có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống theo quy định tại điều 156 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.”

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề bịa đặt người khác phạm tội có thể bị xử lý tội gì? để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop