Các khoản phí mà học sinh tiểu học phải đóng

19/10/2019

Vấn đề học phí và các khoản tiền phải nộp đầu năm học mới là một trong các mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Đầu năm học mới 2019 – 2020, tình trạng lạm thu trong trường học vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc lớn trong dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con em đang học tại các trường tiểu học.

Vậy, vào đầu năm học mới, các khoản phí mà học sinh tiểu học phải đóng bao gồm những khoản nào?

1. Cơ sở pháp lý.

- Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

- Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021.

- Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của luật bảo hiểm y tế.

- Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh.

- Công văn số 1052/BGDĐT-KHTC ngày 18/3/2019 về việc thực hiện chỉ đạo điều hành giá và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong năm học 2019-2020.

2. Luật sư tư vấn.

Trước hết, để tìm hiểu về các khoản phí mà học sinh tiểu học phải nộp, chúng ta cần hiểu thế nào là giáo dục tiểu học. Điểm a, Khoản 1, Điều 26 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về giáo dục tiểu học như sau:

“a) Giáo dục tiểu học được thực hiện trong năm năm học, từ lớp một đến lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là sáu tuổi”.

Thứ nhất, về học phí:

- Đối với học sinh tiểu học trường công lập:

Khoản 1, Điều 105 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về học phí như sau:

“1. Học phí là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục. Học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Ngoài học phí, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”.

Điều 6, Nghị định 86/2015/NĐ-CP cũng quy định về đối tượng không phải đóng học phí: “Đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: Học sinh tiểu học; Học sinh, sinh viên sư phạm; Người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học”.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Đây là một trong những chính sách của nhà nước nhằm phổ cập giáo dục trong phạm vi cả nước.

- Đối với học sinh tiểu học trường dân lập, tư thục:

Khoản 2, Điều 105 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định:

“2. Chính phủ quy định cơ chế thu và sử dụng học phí đối với tất cả các loại hình nhà trường và cơ sở giáo dục khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương để quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Trung ương.

(ảnh minh họa: các khoản phí mà học sinh tiểu học phải đóng)

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí”.

Như vậy, đối với học sinh tiểu học trường dân lập, tư thục thì cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí.

Thứ hai, về các khoản thu khác:

- Theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, nhà trường được phép thu tiền dạy học thêm trong quy định: Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.

- Được thu hộ Bảo hiểm y tế theo Luật bảo hiểm y tế: Về mức đóng bảo hiểu y tế năm học 2019 – 2020 được quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế:

Số tiền đóng = Mức lương cơ sở x 4,5% x Số tháng tham gia (tại thời điểm đóng tiền). Trong đó, học sinh, sinh viên đóng 70%; ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%.

Cụ thể: Năm học mới 2019-2020 (12 tháng) mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên là 804.600 đồng. Trong đó: Học sinh, sinh viên đóng 70% là 563.220 đồng; còn ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% là 241.380 đồng.

Ngoài ra, nhà trường được thu những khoản tiền sau nếu có sự thỏa thuận, thống nhất với cha mẹ học sinh:

- Tiền ăn bán trú được thu theo hàng tháng, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú: Là khoản tiền chi bữa ăn chính và bữa ăn phụ (nếu có) theo thỏa thuận, tiền bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ công tác bán trú và trang bị cơ sở vật chất cho bán trú như giường, chiếu, chăn, khăn mặt, bát, đĩa, cốc, xoong, nồi, bếp gas...

- Tiền vệ sinh;

- Tiền nước uống;

- Tiền đồng phục học sinh, quần áo thể thao, phù hiệu trường, thẻ học sinh,...

Thứ ba, những khoản không được phép thu:

Thông thường, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, các lớp sẽ cử ra một Ban đại diện cha mẹ học sinh để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục.

Bộ giáo dục và đào tạo có công văn số 1052/BGDĐT-KHTC về việc thực hiện chỉ đạo điều hành giá và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo trong năm học 2019-2020, đồng thời theo quy định tại Khoản 4, Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, để tránh việc các trường lạm thu, lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh quyên góp tiền vào dịp đầu năm học, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản sau:

- Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

- Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, bao gồm:

+ Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;

+ Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;

+ Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

+ Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;

+ Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;

+ Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;

+ Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Trên đây là các nội dung tư vấn về vấn đề học phí và các khoản học phí khác để Quý khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop