Chào bạn, về vấn đề người sử dụng lao động chậm nộp hồ sơ hưởng ốm đau cho người lao động thì bị phạt như thế nào? mà bạn đang thắc mắc, Luật Huy Thành xin đưa ra tư vấn cho bạn như sau:
Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau như sau:
“1. Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài thì hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này được thay bằng bản dịch tiếng Việt của giấy khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài cấp.
3. Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do người sử dụng lao động lập.
4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện và các mẫu giấy quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 101 của Luật này.”
Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định về giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản như sau:
“1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.”
Theo quy định trên thì công ty bạn sẽ phải nộp hồ sơ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ bạn để yêu cầu giải quyết chế độ ốm đau.
Do đó, trường hợp bạn đã nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cho công ty theo đúng thời hạn quy định nhưng đến thời điểm hiện nay đã hơn 1 tháng mà nhân sự công ty vẫn chưa lập hồ sơ để giải quyết cho bạn là không đúng quy định và có thể bị phạt tiền từ 4.000.0000 đến 8.000.000 đồng (mức phạt đối với tổ chức) theo điểm b khoản 4 Điều 41 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
“4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
...
b) Không lập danh sách người lao động hoặc không lập hồ sơ hoặc không nộp hồ sơ đúng thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 102, khoản 1 Điều 103, khoản 1 Điều 110, khoản 2 Điều 112 của Luật Bảo hiểm xã hội; khoản 1 Điều 59, khoản 1 Điều 60 của Luật An toàn, vệ sinh lao động;...”
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề Xử lý hành vi chậm nộp hồ sơ hưởng ốm đau cho người lao động để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành – Luật sư Giỏi tại Hà Nội.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.