Di chúc bằng văn bản không công chứng có hợp pháp không?

07/06/2023

Chào luật sư, ông nội em có 3 người con, khi ông mất ông có để lại di chúc bằng văn bản cho hai bác em phần đất ở quê không có công chứng nhưng có xác nhận của hai bác. Em nghi ngờ hai bác em đã ép ông em lập di chúc đó vì lúc ông em còn sống ông đã bảo để lại đất cho ba em. Vậy Di chúc bằng văn bản không công chứng có hợp pháp không? Cảm ơn luật sư.

Chào bạn, về vấn đề có bắt buộc phải công chứng, chứng thực di chúc không? mà bạn đang thắc mắc. Tổng đài tư vấn miễn phí Luật Huy Thành xin tư vấn cho bạn như sau:

Điều 628 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Di chúc bằng văn bản như sau:

“Di chúc bằng văn bản bao gồm:

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.”

Như vậy, pháp luật quy định di chúc bằng văn bản có nhiều hình thức khác nhau, có di chúc bằng văn bản không cần có chứng thực và có di chúc bằng văn bản có chứng thực. Tuỳ vào nhu cầu của người lập di chúc mà có thể lựa chọn hình thức di chúc sao cho phù hợp.

Theo Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di chúc hợp pháp như sau:

“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

(Ảnh minh họa: Di chúc bằng văn bản không công chứng có hợp pháp không?)

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.”

Như vậy, di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực sẽ được coi là hợp pháp nếu đáp ứng các điều kiện như: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; Nội dung, hình thức di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội,…và đối với từng loại di chúc bằng văn bản thì sẽ phải đáp ứng thêm một số điều kiện. Cụ thể như sau:

* Đối với di chúc bằng văn bản không có người làm chứng:

Phải tuân theo quy định về Nội dung của di chúc quy định tại Điều 631 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản.

2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.

3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xoá, sửa chữa.”

* Đối với di chúc bằng văn bản có người làm chứng:

Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Và phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Ngoài phải tuân thủ quy định về điều kiện về nội dung của di chúc như di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo cả quy định về người làm chứng cho việc lập di chúc tại Điều 632. Cụ thể như sau:

“Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.”

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề di chúc bằng văn bản không công chứng có hợp pháp không? để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành – Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop