Câu hỏi:
Ông nội của tôi sinh năm 1919, vừa qua ông đổ bệnh và mất. Hiện nay, chú ruột của tôi có đưa ra một bản di chúc, trong đó có chữ ký của hai người làm chứng và điểm chỉ của ông nội tôi (do ông không biết chữ). Di chúc này không được công chứng hoặc chứng thực. Trong bản di chúc, ông nội tôi để lại toàn bộ tài sản là thửa đất hương hỏa cho chú tôi. Tôi nghi ngờ bản di chúc này được lập không đúng với ý chí của ông nội, bởi vì lúc còn sống ông luôn nhắc rằng thửa đất hương hỏa với ngôi nhà của ông sẽ để lại cho bố tôi là con trai cả để thực hiện việc thờ cúng. Tôi mong Luật sư tư vấn cho tôi hướng giải quyết tốt nhất.
Luật sư tư vấn:
Chào bạn, về vấn đề di chúc của người không biết chữ mà bạn vướng mắc, Luật Huy Thành xin được tư vấn như sau:
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc phải đảm bảo về nội dung và hình thức thì mới phát sinh được hiệu lực. Đối với việc lập di chúc khi không biết chữ, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
…
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.”
Như vậy, vì ông nội của bạn không biết chữ cho nên khi lập di chúc phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện sau:
(1) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
(2) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật;
(3) Phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Người làm chứng cho việc lập di chúc phải tuân thủ quy định tại Điều 632 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“Điều 632. Người làm chứng cho việc lập di chúc
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.”
Trong trường hợp của bạn, do ông nội bạn là người không biết chữ cho nên để di chúc hợp pháp thì cần tuân thủ các điều kiện đã nêu trên. Vì di chúc của ông nội bạn không được công chứng hoặc chứng thực, do vậy đó là bản di chúc không hợp pháp.
(Ảnh minh họa: Di chúc của người không biết chữ)
Khi di chúc không hợp pháp, phần di sản của ông bạn sẽ được chia theo pháp luật cho những người thừa kế quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Như vậy, khi di chúc không hợp pháp, những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc chia thừa kế hoặc yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo pháp luật.
Trên đây là các nội dung tư vấn về vấn đề di chúc của người không biết chữ để Quý khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.