Hành vi “Bom” hàng có bị xử phạt không?

22/10/2022

Em là chủ shop thời trang bán hàng trên nền tảng xã hội, gần đây, có 1 người đặt hàng với số lượng lớn nói muốn lấy xỉ nên em không yêu cầu họ cọc trước mà đã đi đơn. Tuy nhiên, khi shipper đến gọi nhiều lần nhưng họ không bắt máy nên hàng bị hoàn gây tổn thất lớn cho em. Vậy luật sư cho em hỏi Hành vi “Bom” hàng có bị xử phạt không? Em muốn xử lý người này để họ không làm những trò như vậy nữa. Mong Luật sư tư vấn.

Chào bạn, về vấn đề xử phạt hành vi “bom” hàng online mà bạn đang thắc mắc, Tổng đài tư vấn miễn phí Luật Huy Thành xin được tư vấn cho bạn như sau:

Khi người mua thực hiện việc đặt hàng thì đồng nghĩa với việc đây là một giao dịch dân sự.

Điều 116 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự, cụ thể:

“Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

Đồng thời, tại Điều 119 Bộ luật này quy định về hình thức giao dịch dân sự:

“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

…”

Theo đó, việc đặt hàng, mua bán trên mạng được coi là giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử.

Bên cạnh đó, Điều 398 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nội dung hợp đồng như sau:

“...

2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng của hợp đồng;

b) Số lượng, chất lượng;

(Ảnh minh họa: Hành vi “Bom” hàng có bị xử phạt không?)

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

g) Phương thức giải quyết tranh chấp.”

Do đó, việc khách hàng “bom” hàng của bạn thì hành vi được xác định là vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Đối với việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thì người vi phạm có trách nhiệm bồi thường theo Điều 360 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể như sau:

“Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Như vậy, để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện tới Tòa án để được giải quyết. Thông thường, đối với những đơn hàng nhỏ thì người bị thiệt hại thường sẽ không chọn theo cách khởi kiện. Pháp luật hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể về chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi “bom” hàng, và việc đặt hàng chỉ là giao dịch dân sự nên cũng không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với đơn hàng lớn bạn có thể yêu cầu khách cọc trước sẽ đỡ được tổn thất và cũng tránh rủi ro.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề bom hàng online có chế tài xử phạt không? để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop