Hồ sơ xin nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài

23/05/2020

Hiện vợ chồng tôi là người Việt nam nhưng thường trú tại nước ngoài, chúng tôi muốn nhận nuôi con nuôi là trẻ em Việt Nam. Vậy luật sư cho tôi hỏi trong hồ sơ xin nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài phải có những giấy tờ gì ?

Chào bạn, về vấn đề hồ sơ xin nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài mà bạn thắc mắc Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí Luật Huy Thành xin đưa ra tư vấn cho bạn như sau:

Để nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài thì hồ sơ phải bao gồm hồ sơ của người nhận nuôi và hồ sơ của trẻ được giới thiệu làm con nuôi nước ngoài.

Hồ sơ của người nhận nuôi con nuôi theo Điều 31 Luật nuôi con nuôi 2010 như sau:

– Đơn xin nhận con nuôi;

– Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

– Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;

– Bản điều tra về tâm lý, gia đình;

– Văn bản xác nhận tình trạng sức khoẻ;

– Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;

– Phiếu lý lịch tư pháp;

– Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

Lưu ý: Các giấy tờ trên do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú lập, cấp hoặc xác nhận.

Hồ sơ phải được lập thành 02 bộ.

Nơi nộp hồ sơ: Cơ quan trung ương về nuôi con nuôi thuộc Bộ Tư pháp của nước nơi người nhận con nuôi thường trú;

(ảnh minh họa: hồ sơ xin nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài)

Đối với trường hợp nhận nuôi con nuôi đích danh, người nhận nuôi khi nộp hồ sơ tại Cục con nuôi cần phải nộp đính kèm  01 bộ hồ sơ của người được nhận làm con nuôi và tùy từng trường hợp còn phải có giấy tờ tương ứng sau đây:

“1. Bản sao giấy chứng nhận kết hôn của cha dượng hoặc mẹ kế với mẹ đẻ hoặc cha đẻ của người được nhận làm con nuôi.

2. Giấy tờ, tài liệu để chứng minh người nhận con nuôi là cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi.

3. Bản sao quyết định của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cho người đó nhận con nuôi Việt Nam và giấy tờ, tài liệu để chứng minh người con nuôi đó với trẻ em được nhận làm con nuôi là anh, chị em ruột.

4. Giấy tờ, tài liệu để chứng minh trẻ em được nhận làm con nuôi là trẻ em thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định này.

5. Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã, nơi cư trú tại Việt Nam và giấy tờ, tài liệu khác để chứng minh người nhận con nuôi là người nước ngoài đang làm việc, học tập liên tục tại Việt Nam trong thời gian ít nhất là 01 năm, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.” ( Điều 13 Nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi )

Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi nước ngoài quy định tại Điều 32 Luật nuôi con nuôi 2010 như sau:

- Giấy khai sinh;

- Giấy khám sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

- Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

- Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất năng lực hành vi dân sự;

- Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

- Văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em (cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi thì không cần văn bản này);

- Tài liệu chứng minh đã thực hiện việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em trong nước nhưng không thành: Văn bản của Sở Tư pháp kèm theo giấy tờ, tài liệu về việc đã thông báo tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em và văn bản xác nhận của Cục Con nuôi – Bộ Tư pháp về việc đã hết thời hạn thông báo (60 ngày) nhưng không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi.

 Lưu ý: Bản tóm tắt đặc điểm, sở thích, thói quen của trẻ em phải ghi trung thực các thông tin về sức khỏe, tình trạng bệnh tật (nếu có) của trẻ em, sở thích, thói quen hàng ngày đáng lưu ý của trẻ em để thuận lợi cho người nhận con nuôi trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em sau khi được nhận làm con nuôi. Trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi thì không cần văn bản này.

Đối với trường hợp người được nhận nuôi là trẻ em thuộc diện thông qua thủ tục giới thiệu, thì phải có các văn bản sau đây:

- Văn bản của Sở Tư pháp kèm theo giấy tờ, tài liệu về việc đã thông báo tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 của Luật nuôi con nuôi;

- Văn bản xác nhận của Cục Con nuôi về việc đã hết thời hạn thông báo theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật nuôi con nuôi nhưng không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi.

Hồ sơ phải được lập thành 03 bộ

Nơi nộp hồ sơ: Sở tư pháp nơi trẻ em được giới thiệu làm con nuôi thường trú

Như vậy, để nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài thì bạn cần hoàn thành đủ những giấy tờ như trong hồ sơ xin nhập nuôi con nuôi đã nêu trên.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề hồ sơ nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để Quý khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop