Khoản 1, Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc trả lương như sau:
“1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”.
(ảnh minh họa: lương của chồng có thể chuyển thẳng vào tài khoản vợ)
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 96 quy định về hình thức trả lương như sau:
“2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng”.
Việc ủy quyền nhận lương là một quy định hoàn toàn mới mà Bộ luật Lao động 2012 không quy định. Theo quy định này, nhiều người có thể hiểu rằng kể từ ngày Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực (ngày 01/01/2021), lương của chồng có thể chuyển thẳng vào tài khoản của vợ.
Thế nhưng, theo quy định của Điều 94 Bộ luật Lao động 2019, để lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản vợ thì cần những điều kiện sau:
- (1) Chồng (người lao động) không thể nhận lương trực tiếp.
- (2) Vợ là người được chồng ủy quyền hợp pháp thông qua văn bản ủy quyền hoặc email gửi cho người sử dụng lao động.
- (3) Chồng đăng ký số tài khoản của vợ để nhận lương.
Như vậy, không phải lúc nào lương của chồng cũng được tự động chuyển thằng vào tài khoản vợ, mà chỉ khi chồng bị ốm đau, tai nạn,... hoặc lý do khác mà không thể nhận lương trực tiếp, đồng thời vợ phải được chồng ủy quyền cho việc nhận lương thì người sử dụng lao động mới có thể chuyển lương của chồng vào tài khoản vợ.
Bên cạnh đó, ngoài bổ sung quy định về ủy quyền nhận lương như trên, Bộ luật Lao động 2019 còn có nhiều quy định mới khác liên quan đến việc trả lương cho người lao động. Cụ thể:
- Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước khi không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng (điểm b, khoản 2, Điều 35);
- Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định (khoản 2, Điều 94);
- Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có) (khoản 3, Điều 95);
- Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương (đoạn 2, khoản 2, Điều 96);
- Mở rộng khái niệm thưởng cho người lao động không chỉ bằng tiền mặt mà bằng hiện vật, dịch vụ,... (Điều 104).
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề từ 2021, lương của chồng có thể được chuyển thẳng vào tài khoản vợ để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.