Ly hôn đơn phương khi bị bạo lực gia đình

11/05/2021

Hiện nay, bạo lực gia đình đang dần trở thành nguyên nhân hàng đầu khiếu các cặp vợ chồng phải ly hôn. Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề ly hôn đơn phương khi bị bạo lực gia đình?

Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình nêu rõ:

Ly hôn đơn phương hay còn gọi là ly hôn theo yêu cầu của một bên là trường hợp vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn và Tòa án giải quyết nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Như vậy, căn cứ để Tòa án giải quyết khi có yêu cầu ly hôn đơn phương là:

- Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình;

- Vợ, chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ vợ, chồng.

(ảnh minh họa: ly hôn đơn phương khi bị bạo lực gia đình)

Không chỉ vậy, theo điểm a.1 khoản a Điều 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP, được coi là tình trạng vợ chồng trầm trọng khi:

Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

Căn cứ các quy định trên, bạo lực gia đình hoàn toàn có thể trở thành lý do khiến cuộc hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được và cũng là căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn cho một bên khi gửi đơn ly hôn đơn phương.

Tuy nhiên, để chắc chắn được Tòa án thụ lý và giải quyết thì người muốn đơn phương ly hôn cần phải chuẩn bị đầy đủ bằng chứng của việc bạo lực gia đình thông qua các cách sau đây:

- Chụp ảnh, quay video… hành vi đánh đập, vũ phu của vợ/chồng thông qua việc lắp đặt camera trong nhà;

- Xin xác nhận của bệnh viện về việc điều trị chấn thương do bị đánh đập mà có;

- Nếu trước đó, khi xảy ra bạo lực gia đình, vợ/chồng bị xử phạt hành chính hoặc đã được cơ sở hòa giải thì có thể cung cấp quyết định xử phạt hành chính hoặc biên bản hòa giải…

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 7 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có quyền đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được.

Do đó, có nhiều cách để thu thập bằng chứng của hành vi bạo lực gia đình. Người muốn đơn phương ly hôn cần xem xét tình huống thực tế của gia đình mình để áp dụng biện pháp hợp lý, thuận tiện nhất khi muốn yêu cầu ly hôn đơn phương.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề làm gì để ly hôn đơn phương khi bị bạo lực gia đình? để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn miễn phí 1900 6179 hoặc qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179  gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop