MIỄN NHIỆM GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP

17/09/2018

Giám định viên tư pháp miễn nhiệm trong những trường hợp nào? Thủ tục thực hiện miễn nhiệm giám định viên tư pháp được quy định như thế nào?

Điều 10 Luật giám định tư pháp số 13/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012 quy định về các trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư phápthủ tục miễn nhiệm giám định viên tư pháp như sau:

1. Các trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp:

(1) Không còn đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp.

 (2) Thuộc một trong các trường hợp sau:

+  Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

+  Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

+  Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

(3) Bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị xử phạt hành chính do cố ý vi phạm quy định của pháp luật về giám định tư pháp;

(4)  Thực hiện một trong các hành vi sau:

+  Từ chối đưa ra kết luận giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng.

+  Cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.

+  Cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định tư pháp.

+  Lợi dụng việc thực hiện giám định tư pháp để trục lợi.

+  Tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định tư pháp.

+  Xúi giục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.

+  Can thiệp, cản trở việc thực hiện giám định của người giám định tư pháp.

 (5) Theo đề nghị của giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng có quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí hoặc thôi việc.

(Ảnh minh họa: Miễn nhiệm giám định viên tư pháp)

2. Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp bao gồm:

+  Văn bản đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức đã đề nghị bổ nhiệm người đó;

+  Văn bản, giấy tờ chứng minh giám định viên tư pháp thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Thẩm quyền miễn nhiệm giám định viên tư pháp:

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế miễn nhiệm giám định viên pháp y thuộc thẩm quyền quản lý.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc thẩm quyền quản lý.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ miễn nhiệm giám định viên tư pháp hoạt động tại các cơ quan ở trung ương ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý hoạt động giám định tư pháp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân sau khi người đứng đầu cơ quan chuyên môn thống nhất ý kiến với Giám đốc Sở Tư pháp.

4. Thời hạn thực hiện miễn nhiệm giám định viên tư pháp:

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp và điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh danh sách chung về giám định viên tư pháp.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề miễn nhiệm giám định viên tư pháp để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop