Những rủi ro khi mua bán đất bằng giấy viết tay

13/05/2021

Giao dịch chuyển nhượng đất bằng giấy viết tay không có hiệu lực và tiềm ẩn nhiều rủi ro về kinh tế cho cả bên mua và bên bán. Vậy cụ thể những rủ ro khi mua bán đất bằng giấy viết tay là gì? Hãy cùng Luật sư tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Điểm a, khoản 3, Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định về việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất như sau:

“Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;”

Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp một hoặc các bên là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.

Trường hợp hợp đồng mua bán đất không được công chứng, chứng thực sẽ bị vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức, trừ trường hợp một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

Vậy, khi mua bán đất bằng giấy viết tay có những rủi ro gì?

(ảnh minh họa: những rủ ro khi mua bán đất bằng giấy viết tay)

Việc mua bán đất bằng giấy viết tay thường tiềm ẩn những rủi ro sau đây:

1. Bên mua trả hết tiền nhưng quyền sử dụng đất vẫn thuộc về bên bán.

Khoản 3, Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định:

“3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”.

Theo quy định trên, việc chuyển nhượng chỉ có hiệu lực khi đăng ký vào sổ địa chính. Nếu chuyển nhượng đất giữa hộ gia đình, cá nhân với nhau mà không công chứng hoặc chứng thực hợp đồng sẽ không đủ điều kiện đăng ký biến động, khi không đăng ký biến động thì việc chuyển nhượng chưa có hiệu lực.

Việc chuyển nhượng chưa có hiệu lực dẫn tới tình trạng bên nhận chuyển nhượng đã trả hết tiền nhưng về mặt pháp lý, quyền sử dụng đất vẫn thuộc về bên chuyển nhượng.

2. Không được thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cho thuê,... quyền sử dụng đất.

Theo quy định của Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện theo quy định, trong đó có điều kiện về Giấy chứng nhận đứng tên người bán.

Do đó, nếu không thực hiện sang tên trên Giấy chứng nhận được sẽ kéo theo quyền sử dụng đất chưa đủ điều kiện để tham gia các giao dịch liên quan.

3. Hợp đồng vô hiệu, dễ bị bên bán đòi lại đất.

Theo quy định, hợp đồng mua bán đất không được công chứng, chứng thực sẽ bị vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Thông thường quyền sử dụng đất là loại tài sản có giá trị tăng nhanh theo thời gian, nhất là đất ở. Dù chuyển nhượng xảy ra trên thực tế nhưng theo quy định thì chưa có hiệu lực nên bên chuyển nhượng dễ nảy sinh ý định đòi lại quyền sử dụng đất; trên thực tế nhiều trường hợp người chuyển nhượng sẵn sàng trả lại tiền và một khoản tiền lãi để lấy lại quyền sử dụng đất.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề 03 rủi ro khi mua nhà, đất bằng giấy viết tay để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn miễn phí 1900 6179 hoặc qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179  gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop