SỬ DỤNG KINH PHÍ HỖ TRỢ BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN ĐẤT TRỒNG LÚA

31/08/2018

Ủy ban nhân dân các cấp sử dụng kinh phí do người được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước nộp và nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phù hợp điều kiện của địa phương.

Điều 8 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 04 năm 2015 quy định về việc sử dụng kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa như sau:

“Điều 8. Sử dụng kinh phí hỗ trợ

Ủy ban nhân dân các cấp sử dụng kinh phí do người được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước nộp và nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Nghị định này để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phù hợp điều kiện của địa phương:

1. Quy hoạch, lập bản đồ các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công bố công khai để thực hiện.

2. Phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp.

3. Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại: Tăng độ dày của tầng canh tác; tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng mặt ruộng; bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, bón vôi; thau chua, rửa mặn đối với đất bị nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác.

4. Đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa.

5. Khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại.

6. Hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.”

(Ảnh minh họa: Sử dụng kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa)

Quản lý sử dụng kinh phí  được quy định tại Điều 4 Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 01 năm 2016 như sau:

“Điều 4. Quản lý sử dụng kinh phí 

Ủy ban nhân dân các cấp sử dụng khoản tiền thu được theo quy định tại Điều 2 Thông tư này và kinh phí được hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phù hợp với điều kiện của địa phương; nội dung chi theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP: 

1. Quy hoạch, lập bản đồ, phân tích chất lượng hóa, lý tính các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất chất lượng cao định kỳ 10 năm: Căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, các đơn vị lập dự toán chi trình cấp có thẩm quyền quyết định. 

2. Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại: Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa trong từng thời kỳ được cấp có thẩm quyền phê duyệt của địa phương, chất lượng đất chuyên trồng lúa nước trên địa bàn và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện lập phương án cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại cho cả thời kỳ và từng năm, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Căn cứ phương án cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa được duyệt và định mức kinh tế kỹ thuật, các đơn vị lập dự toán chi cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa (tăng độ dày tầng canh tác; tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng mặt ruộng; bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, bón vôi; thau chua, rửa mặn đối với đất nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác) trình cấp có thẩm quyền quyết định để làm cơ sở thực hiện. 

3. Đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa: quản lý đầu tư, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo quy định pháp luật hiện hành. 

4. Khai hoang phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại: mức chi theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP. 

5. Hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm: 

a) Trường hợp hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa: Áp dụng Điều 12, Điều 14 Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 8 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông và theo quy định tại Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông; 

b) Trường hợp hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thực hiện theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.”

Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí được quy định tại Điều 5 Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 01 năm 2016 như sau:

“Điều 5. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí 

1. Về lập dự toán 

a) Dự toán tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa: Hàng năm, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan, căn cứ vào kế hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trên địa bàn, dự kiến khoản thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa để tổng hợp vào dự toán thu, chi ngân sách địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. 

b) Dự toán kinh phí hỗ trợ địa phương sản xuất lúa quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP: Hàng năm, căn cứ số liệu thống kê diện tích đất trồng lúa của năm liền kề trước năm xây dựng dự toán, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng dự toán chi gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào dự toán chi ngân sách địa phương, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng thời gian báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm kế hoạch. 

Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi bổ sung mục tiêu thực hiện chính sách hỗ trợ địa phương sản xuất lúa, trên cơ sở dự toán được giao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp, phân bổ số kinh phí này để thực hiện các nội dung chi theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này. 

2. Việc chấp hành dự toán và quyết toán 

Việc chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.”

Trên đây là các nội dung tư vấn về vấn đề sử dụng kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa để Quý khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ gọi 1900 6179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop