Thành lập chi nhánh doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

12/09/2020

Doanh nghiệp chúng tôi hiện đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, có trụ sở chính tại Hà Nội. Do nhu cầu đi xuất khẩu lao động của người dân ở các tỉnh khác cũng rất lớn nên chúng tôi muốn mở thêm chi nhánh để hỗ trợ thực hiện một số nội dung trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Luật sư cho tôi hỏi để thành lập chi nhánh doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có những điều kiện nào?

Chào bạn về vấn đề thành lập chi nhánh doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động mà bạn đang thắc mắc Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí Luật Huy Thành xin đưa ra tư vấn cho bạn như sau:

Căn cứ Điều 15 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 quy định về chi nhánh doanh nghiệp dịch vụ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

“1. Doanh nghiệp dịch vụ được giao nhiệm vụ cho không quá ba chi nhánh ở ba tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này để thực hiện một số nội dung trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

2. Chi nhánh được giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có quyết định của doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh;

b) Chi nhánh phải niêm yết công khai địa chỉ, số điện thoại, số fax và địa chỉ giao dịch thư điện tử tại trụ sở chi nhánh;

c) Có phân công cụ thể cán bộ, viên chức phụ trách hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

3. Chi nhánh quy định tại khoản 1 Điều này không được thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Ký kết Hợp đồng cung ứng lao động, Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

(ảnh minh họa: thành lập chi nhánh doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài)

b) Thu tiền dịch vụ, tiền môi giới và tiền ký quỹ của người lao động, trừ trường hợp được doanh nghiệp ủy quyền.

4. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày giao nhiệm vụ cho chi nhánh, doanh nghiệp dịch vụ phải thông báo cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chi nhánh.

5. Chi nhánh phải báo cáo định kỳ, đột xuất và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chi nhánh.

6. Chi nhánh phải niêm yết công khai quyết định của doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh và bản sao Giấy phép của doanh nghiệp dịch vụ tại trụ sở chi nhánh”.

Việc thông báo về việc giao nhiệm vụ, thay đổi, chấm dứt việc giao nhiệm vụ cho chi nhánh được hướng dẫn bởi Mục II Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH:

“1. Thông báo về việc giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho chi nhánh doanh nghiệp dịch vụ:

Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho chi nhánh, doanh nghiệp dịch vụ phải thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý lao động ngoài nước và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chi nhánh về các nội dung: tên đầy đủ, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ giao dịch thư điện tử của chi nhánh; tên người đứng đầu chi nhánh, các nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài giao cho chi nhánh, nội dung ủy quyền cho chi nhánh.

Báo cáo phải kèm theo Quyết định của doanh nghiệp giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện một số nội dung hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bản sao Quyết định thành lập chi nhánh, bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của chi nhánh, văn bản ủy quyền cho chi nhánh thu tiền dịch vụ, tiền môi giới, tiền ký quỹ của người lao động (nếu có) và danh sách trích ngang người đứng đầu và cán bộ chi nhánh làm nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gồm các nội dung: họ tên, năm sinh, chức vụ, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, nhiệm vụ được giao thực hiện tại chi nhánh.

2. Thông báo về việc thay đổi hoặc chấm dứt giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của chi nhánh doanh nghiệp dịch vụ:

Trường hợp có sự thay đổi về người đứng đầu chi nhánh, nội dung giao nhiệm vụ và nội dung ủy quyền cho chi nhánh, địa điểm đặt trụ sở chi nhánh hoặc chấm dứt việc giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho chi nhánh, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý lao động ngoài nước và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chi nhánh về sự thay đổi và phương án giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến những thay đổi đó.

3. Chế độ báo cáo của chi nhánh:

Chi nhánh doanh nghiệp dịch vụ báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chi nhánh tình hình thực hiện các nhiệm vụ được doanh nghiệp giao trước ngày 20 tháng 6 và 20 tháng 12 hàng năm và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội”.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề điều kiện thành lập chi nhánh đưa người lao động đi xuất khẩu nước ngoài để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop