Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế

12/04/2023

Chào luật sư, tôi muốn từ chối tài sản của bố mẹ tôi để lại thì thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế được thực hiện như thế nào? Mong Luật sư tư vấn, cảm ơn Luật sư.

Chào bạn, về vấn đề điều kiện, trình tự và thủ tục từ chối nhận di sản mà bạn đang thắc mắc. Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí Luật Huy Thành xin được tư vấn cho bạn như sau:

Theo Điều 620 Bộ luật dân sự 2015 quy định về từ chối nhận di sản thừa kế như sau:

“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”

Người có nguyện vọng từ chối nhận di sản thừa kế được lựa chọn việc công chứng văn bản từ chối nhận di sản tại các phòng công chứng, văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã bất kỳ, thủ tục cụ thể như sau:

Người thừa kế có nguyện vọng từ chối nhận di sản thừa kế thực theo trình tự dưới đây:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ từ chối nhận di sản thừa kế.                                                                         

Người từ chối nhận di sản thừa kế chuẩn bị các giấy tờ sau đây:

(Ảnh minh họa: Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế)

- Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế có cam kết việc từ chối nhận di sản thừa kế không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản (dự thảo).

- Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân (bản sao có chứng thực).

- Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực).

- Di chúc (bản sao có chứng thực) trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế trong trường hợp thừa kế theo pháp luật.

- Giấy chứng tử của người để lại di sản (bản sao chứng thực).

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng (bản sao có chứng thực) hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản (bản sao có chứng thực).

Bước 2:  Người từ chối nhận di sản tiến hành công chứng, chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế.

- Công chứng viên/cán bộ thực hiện chứng thực kiểm tra hồ sơ từ chối nhận di sản thừa kế.

- Người từ chối nhận di sản thực hiện ký lên văn bản từ chối di sản thừa kế trước mặt công chứng viên/ cán bộ thực hiện chứng thực, trường hợp văn bản có 02 trang thì phải ký đầy đủ cả 02 trang.

- Trường hợp người từ chối nhận di sản không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 người làm chứng.

 (Trường hợp công chứng viên kiểm tra và nhận thấy hồ sơ bị thiếu thì yêu cầu người từ chối nhận di sản bổ sung hoặc hồ sơ không hợp lệ thì giải thích cho người từ chối nhận di sản về việc không thể chứng thực văn bản từ chối nhận di sản)

Bước 3: Nhận văn bản công nhận từ chối nhận di sản thừa kế

- Người từ chối nhận di sản thừa kế tiến hành đóng phí và thù lao công chứng là 20.000 đồng (theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC).

- Nhận văn bản công nhận từ chối nhận di sản thừa kế.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề quy định về thủ tục từ chối nhận di sản để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn VănThành – Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

 

 

bttop