TRIỆU TẬP HỌP HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN TRONG CÔNG TY HỢP DANH

29/06/2018

Trong công ty hợp danh, tất cả thành viên hợp lại thành Hội đồng thành viên. Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty. Vậy việc triệu tập họp Hội đồng thành viên trong công ty hợp danh được thực hiện như thế nào, ai là người có thẩm quyền triệu tập?

Điều 178 Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 quy định về triệu tập cuộc họp Hội đồng thành viên như sau:

1. Thẩm quyền triệu tập họp hội đồng thành viên.

Khoản 1 Điều 178 Luật doanh nghiệp quy định rõ: “Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể triệu tập họp Hội đồng thành viên khi xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của thành viên hợp danh. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên không triệu tập họp theo yêu cầu của thành viên hợp danh thì thành viên đó triệu tập họp Hội đồng thành viên.”

Như vậy, người có thẩm quyền triệu tập họp Hội đồng thành viên trong công ty hợp danh là chủ tịch Hội đồng thành viên và thành viên hợp danh trong trường hợp thành viên hợp danh có yêu cầu nhưng chủ tịch hội đồng thành viên không triệu tập.

(Ảnh minh họa: Triệu tập họp Hội đồng thành viên của công ty hợp danh)

2. Thủ tục triệu tập họp hội đồng thành viên.

Cuộc họp Hội đồng thành viên khi được triệu tập, người triệu tập phải tiến hành gửi thông báo triệu tập họp hội đồng thành viên đến tất cả các thành viên công ty. Thông báo mời họp có thể bằng giấy mời, điện thoại, fax hoặc phương tiện điện tử khác. Thông báo mời họp phải nêu rõ mục đích, yêu cầu và nội dung họp, chương trình và địa điểm họp, tên thành viên yêu cầu triệu tập họp.

Các tài liệu thảo luận được sử dụng để quyết định các vấn đề phải được gửi trước đến tất cả thành viên; thời hạn gửi trước do Điều lệ công ty quy định.

Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc thành viên yêu cầu triệu tập họp chủ tọa cuộc họp. Cuộc họp của Hội đồng thành viên phải được ghi biên bản của công ty. Nội dung biên bản phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính;

b) Mục đích, chương trình và nội dung họp;

c) Thời gian, địa điểm họp;

d) Họ, tên chủ tọa, thành viên dự họp;

đ) Các ý kiến của thành viên dự họp;

e) Các nghị quyết được thông qua, số thành viên tán thành và nội dung cơ bản của các nghị quyết đó;

g) Họ, tên, chữ ký của các thành viên dự họp.

Trên đây là các nội dung tư vấn về vấn đề triệu tập cuộc họp hội đồng thành viên để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 1900 6179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop