Trường hợp nào thẩm phán phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi?

26/03/2024

Chào luật sư, tôi đang là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự. Gần đây, tôi mới biết việc được thẩm phán tham gia xét xử vụ án này là mẹ nuôi của bị can, tôi cho rằng việc này là không khách quan. Vậy luật sự cho tôi hỏi Trường hợp nào thẩm phán phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi? Cảm ơn luật sư.

Chào bạn, về vấn đề thẩm phán phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi nào? mà bạn đang thắc mắc, tổng đài tư vấn miễn phí Luật Huy Thành xin tư vấn cho bạn như sau:

Khoản 1 Điều 53 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về các trường hợp thay đổi thẩm phán như sau:

“1. Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;

b) Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau;

c) Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.”

Điều 49 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như sau:

“Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

1. Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

2. Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;

3. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.”

Điểm e khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:

“e) Người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là người có quan hệ với người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.”

Như vậy, từ những quy định nêu trên, trường hợp thẩm phán là mẹ nuôi của bị can đây được xem là người thân thích của bị can. Do đó, thẩm phán phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi.

Trên đây là tư vấn chúng tôi về vấn đề thẩm phán phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi trong trường hợp nào? để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành – Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop