Hòa giải vụ án dân sự

05/01/2018

Hòa giải là một thủ tục có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự và phải do chính các đương sự thực hiện bởi các đương sự là những người có quyền lợi đang bị xâm hại hoặc tranh chấp

Xuất phát từ bản chất của quan hệ dân sự là tự do thỏa thuận, theo đó các bên bình đẳng với nhau, được tự do cam kết, xác lập thỏa thuận các quyền, nghĩa vụ dân sự không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Hòa giải là một thủ tục có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự và phải do chính các đương sự thực hiện bởi các đương sự là những người có quyền lợi đang bị xâm hại hoặc tranh chấp.

Theo quy định của BLTTDS, trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 181 và Điều 182 BLTTDS. Điều 10 BLTTDS quy định: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”.

Bên cạnh đó, các đương sự có quyền tự thỏa thuận, dàn xếp, thương lượng với nhau về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án mà không cần phải thông qua Tòa án, trong trường hợp này, Tòa án không chủ động đưa vụ án ra hòa giải mà các đương sự tự chủ động thỏa thuận với nhau.

Trước khi mở phiên tòa: Nếu các đương sự tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và không yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 192 BLTTDS.

Hậu quả pháp lý: “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp…” (khoản 1 Điều 193 BLTTDS).

Khoản 1, Điều 25 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP quy định: “Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 192 của BLTTDS, thì trước khi ra quyết định, Tòa án phải giải thích rõ cho các đương sự về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án là các đương sự sẽ không có quyền khởi kiện lại vụ án đó.

Trường hợp cơ quan, tổ chức (trong trường hợp không có nguyên đơn), nguyên đơn quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 192 của BLTTDS chỉ rút văn bản khởi kiện, không yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án khi có những điều kiện nhất định theo thỏa thuận, thương lượng giữa các đương sự thì Tòa án cần ghi rõ điều kiện đó trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án để làm căn cứ cho việc khởi kiện lại của đương sự.

Do đó, trường hợp đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 192 của BLTTDS thì trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án Tòa án phải nêu rõ hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án là các đương sự sẽ không có quyền khởi kiện lại vụ án đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp”.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm: khoản 1 Điều 11 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP quy định: Trường hợp có tranh chấp và có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, nếu sau khi Tòa án thụ lý vụ án và trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm các đương sự tự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án, thì Tòa án phải lập biên bản về sự thoả thuận đó và ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 187 của BLTTDS

Tại phiên tòa sơ thẩm: “Trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án” (Điều 220 BLTTDS). Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên.

Giai đoạn phúc thẩm: BLTTDS không quy định Tòa án cấp phúc thẩm phải tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm nhưng nếu tại Tòa án cấp phúc thẩm các đương sự tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội thì HĐXX phúc thẩm ra bản án phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Điều 19 Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 quy định:

1. Trường hợp trước khi mở phiên toà phúc thẩm, các đương sự đã tự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và các đương sự yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm công nhận sự thỏa thuận của họ, thì Tòa án yêu cầu các đương sự làm văn bản ghi rõ nội dung thỏa thuận và nộp cho Tòa án cấp phúc thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Văn bản này được coi như chứng cứ mới bổ sung. Tại phiên toà phúc thẩm Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi lại các đương sự về thỏa thuận của họ là có tự nguyện hay không và xem xét thoả thuận đó có trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội hay không; nếu thoả thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật, đạo đức xã hội, thì Hội đồng xét xử vào phòng nghị án thảo luận và ra bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

2. Tại phiên toà phúc thẩm nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thoả thuận này phải được ghi vào biên bản phiên toà. Nếu xét thấy thoả thuận của các đương sự là tự nguyện không trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội, thì Hội đồng xét xử vào phòng nghị án thảo luận và ra bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thoả thuận của các đương sự.

3. Trong các trường hợp được hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Hội đồng xét xử cần hướng dẫn cho các đương sự thoả thuận về trách nhiệm chịu án phí sơ thẩm; nếu họ không thoả thuận được, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định theo quy định của pháp luật về án phí”

Như vậy, trong TTDS, việc thỏa thuận của đương sự được thực hiện ở tất cả các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm, trừ trường hợp nội dung thỏa thuận không tự nguyện, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop