Hội thẩm nhân dân là ai?
Theo Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các Văn bản pháp luật liên quan thì Hội thẩm nhân dân là người có uy tín và tín nhiệm trước quần chúng, đại diện và thay mặt cho nhân dân tham gia vào công tác xét xử. Việc thực hiện chế độ Hội thẩm nhân dân nhằm đảm bảo dân chủ trong hoạt động xét xử của Tòa án.
Như vậy, quy định của Văn bản pháp quy cao nhất không quy định cụ thể điều kiện về năng lực chuyên môn…mà chỉ quy định và đề cao tính uy tín, tín nhiệm trước nhân dân. Chúng ta hiểu rằng một người có uy tín, tín nhiệm trước nhân dân đa phần phải là người có nhân cách, đạo đức, lối sống mình vì mọi người, vì xã hội; và trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề đều cần có những con người như vậy. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tư pháp nói chung và công tác xét xử nói riêng lại mang tính đặc thù, mà những yêu tố như năng lực chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm là vô cùng quan trọng; nó ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xét xử, đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự trong vụ án mà yếu tố “Uy tín – Tín nhiệm” không thể đảm bảo được tính “đúng” của bản án.
Địa vị pháp lý trong tố tụng dân sự của Hội thẩm nhân dân như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì ngoài Chánh án tòa án, Thẩm phán, Thư ký, Viện trưởng viện kiểm sát, Kiểm sát viên thì Hội thẩm nhân dân cũng là người tiến hành tố tụng.
Và theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 BLTTDS thì khi xét xử, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán; Tòa án xét xử độc lập và quyết định theo đa số (Điều 14 BLTTDS).
Cần lưu ý rằng, Hội thẩm nhân dân chỉ tham gia tố tụng xét xử vụ án dân sự tại cấp tòa sơ thẩm; và Hội đồng xét xử gồm 01 (một) Thẩm phán và 02 (hai) Hội thẩm nhân dân. Do vậy, nếu căn cứ vào những quy định nêu trên thì vai trò trong trong tố tụng xét xử dân sự đối với Hội thẩm nhân dân là rất lớn, ngang quyền với Thẩm phán, cùng với “lá phiếu” của mình “có thể” quyết định tình đúng, sai, thắng, thua của đương sự trong vụ án.
Rõ ràng, trên ly thuyết chúng ta đã nhận thấy tính độc lập, dân chủ và khách quan trong công tác xét xử sở thẩm từ những quy định nêu trên.
Tuy nhiên, thực tế về vai trò xét xử của Hội thẩm nhân dân có đảm bảo được các tính chất nêu trên hay không là một chuyện khác. Chúng ta cùng suy xét và nhìn nhận khách quan về vấn đề này từ góc độ pháp lý và thực tại như thế nào?
Không hiểu biết pháp luật thì làm sao mang luật ra xử?
Trong tranh chấp dân sự và tố tụng dân sự, tính đúng, sai, thắng, thua bắt buộc phải dựa trên quy định của pháp luật để phân xử; đồng nghĩa với việc Hội đồng xét xử không thể dựa trên tính cảm quan hay niềm tin nội tâm để phán quyết.
(bất cập Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử dân sự sơ thẩm)
Trở lại với vấn đề nêu trên, khi Hiến pháp không đặt năng lực chuyên môn của Hội thẩm nhân dân làm yêu cầu bắt buộc, dẫn đến việc có thể Hội thẩm nhân dân cũng không cần kiến thức pháp lý khi tham gia xét xử. Thực tế cho thấy hiện nay đa phần các Hội thẩm nhân dân tham gia công tác xét xử sơ thẩm trong tố tụng dân sự đều không được đào tạo qua các trường pháp lý, không được đào tạo kỹ năng và nghiệp vụ xét xử.
Một nghịch lý là khi xét xử, Hội đồng phải căn cứ vào các văn bản pháp quy (Luật, Nghị định, Thông tư…), nhưng hai trong số 3 người trong Hội đồng xét xử có thể không hiểu luật; trong khi đó, tòa án lại xét xử độc lập và quyết định theo đa số.
Và những hệ lụy của nó:
Thực tế tham gia tố tụng nhiều vụ án dân sự, phải khẳng định rằng đa phần Hội thẩm nhân dân không thể hiện được vai trò xét xử tại phiên tòa. Họ đến phiên tòa như cho đủ thành phần, ban bệ. Họ không nghiên cứu hồ sơ, các quy định pháp luật liên quan hoặc nếu có nghiên cứu cũng qua loa, sơ sài nên không đủ kiến thức, thông tin, kỹ năng để cùng Thẩm phán tham gia xét hỏi tại phiên tòa. Nói chung họ “yên vị” trong Hội đồng xét xử. Tại phiên tòa, Thẩm phán với tư cách chủ tọa thực hiện độc diễn từ A đến Z.
Sau khi kết thúc các phần như xét hỏi, tranh luận thì nghị án là thủ tục bắt buộc trước khi Hội đồng xét xử tuyên án. Các thành phần của Hội đồng xét xử sẽ thể hiện quan điểm của mình và biểu quyết đối với quyết định của bản án. Có thể khẳng định có đến 99,9% nội dung biên bản nghị án trong các vụ án dân sự tại cấp tòa sơ thẩm thể hiện tính thống nhất và biểu quyết cao của Hội đồng xét xử; rất hiếm để thấy một biên bản nghị án có quan điểm trái triều của Hội thẩm nhân dân; việc này có đồng nghĩa với tính đúng đắn, khách quan trong công tác xét xử?
Có thể có, nhưng tôi nghĩ đa phần chưa thể hiện được tính độc lập và làm ảnh hưởng đến tính khách quan. Như đã phân tích, do hạn chế về năng lực chuyên môn, phương pháp, kỹ năng, nội dung, các thông tin liên quan nên khi xét xử Hội thẩm nhân dân rất phụ thuộc vào quan điểm pháp lý của Thẩm phán (Chủ tọa phiên tòa). Họ cũng không đủ khả năng để đưa ra một quan điểm mang tính pháp lý, cũng như những lập luận, phân tích và bảo vệ quan điểm của mình. Và do không thể đưa ra nhận định, phản biện ý kiến của Thẩm phán nên họ dẽ dàng bị thuyết phục và đồng ý; không quan tâm đến tính khách quan, đúng, sai, quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự.
Dẫu biết rằng Hội thẩm nhân dân chỉ tham gia Hội đồng xét xử tại cấp tòa sơ thẩm, nhưng một bản án sơ thẩm sai, thiếu khách quan có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của đương sự tại cấp tòa phúc thẩm; nhất là khi thực trạng về chất lượng xét xử của ngành Tòa án nói chung vẫn chưa làm người dân yên tâm.
Chúng ta không phủ nhận những kết quả đạt được trong công tác xét xử của ngành Tòa án; nhưng đằng sau đó vẫn còn nhiều bất cập. Theo báo cáo thì hiện nay ngành Tòa án có hàng trăm nghìn án tồn, án bị khiếu nại (sai) và án không thể thi hành. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ lụy này và một trong những nguyên nhân khách quan xuất phát từ nghĩa vụ, trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân trong công tác xét xử.
Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.