Là Luật sư tranh tụng hành nghề tại thành phố Hà Nội, tôi đã tham gia tư vấn, đại diện hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng trong nhiều vụ việc tranh chấp dân sự khác nhau. Nhìn chung, nếu giải quyết những vụ việc cho khách hàng với tư cách bị đơn thì công việc có phần nhẹ nhàng hơn; nhưng nếu là nguyên đơn thì các công việc như soạn đơn khởi kiện, thu thập và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện…vv đều phải thực hiện. Khâu nộp đơn khởi kiện tại Tòa án vẫn là khâu khó nhất cho các công việc tiền tố tụng mà một Luật sư đại diện cho Người khởi kiện phải thực hiện.
Hiện nay, có một thực trạng là khi nộp đơn khởi kiện, đa phần các các bộ nhận đơn của Tòa án tại một số địa phương đều yêu cầu người khởi kiện phải đi xác minh địa chỉ cư trú của người bị kiện.... Những tưởng yêu cầu nêu trên của Tòa án là đơn giản, nhưng thực tế việc này vô cũng khó khăn, có thể bất khả thi và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền khởi kiện của người dân. Do vậy, cần thiết phải “mổ xẻ” vấn đề này dưới góc độ pháp lý để nhận thấy yêu cầu nêu trên của Tòa án có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Mục đích của việc đưa ra yêu cầu nêu trên là gì?
Phải nói rằng vấn đề được tôi nêu ra không phải là chủ đề mới. Trước đó, đã có nhiều bài viết phản ánh, phân tích về những bất cập liên quan. Nhiều ý kiến cho rằng Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) quy định thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án trước hết là nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của bị đơn. Và do hàng năm, số lượng thụ lý án dân sự ở một số thành phố lớn luôn ở mức cao nên cần thiết phải yêu cầu người khởi kiện xác minh địa chỉ cư trú hoặc trụ sở của bị đơn trước khi khởi kiện, nhằm phục vụ cho công tác tống đạt văn bản tố tụng, hoặc tránh trường hợp thụ lý vào nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết, làm mất thời gian của Tòa án.
Với mục đích và lý do “chính đáng” nêu trên, nghe thì thấy “thuận tai” nhưng thực tế nó đang trực tiếp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền khởi kiện của người dân.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 BLTTDS thì Đơn khởi kiện phải có những nội dung chính, trong đó bao gồm tên, địa chỉ của người bị kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người làm chứng.
Về nguyên tắc, người khởi kiện có nghĩa vụ điền đầy đủ các thông tin liên quan đến bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng vào đơn khởi kiện theo mẫu quy định tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Trường hợp Đơn khởi kiện chưa đầy đủ các nội dung theo quy định thì Tòa án có quyền yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 BLTTDS.
Như vậy, BLTTDS chỉ quy định về việc Người khởi kiện phải thực hiện soạn đơn khởi kiện theo mẫu, trong đó có đầy đủ các thông tin về các đương sự, không có quy định nào về việc bắt buộc người khởi kiện phải xin xác nhận địa chỉ cư trú của người bị kiện…vv.
VIỆC TÒA ÁN TỪ CHỐI NHẬN ĐƠN KHỞI KIỆN NẾU KHÔNG CÓ XÁC NHẬN ĐỊA CHỈ CƯ TRÚ, TRỤ SỞ NGƯỜI BỊ KIỆN LÀ KHÔNG PHÙ HỢP VỚI QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT.
Theo quy định tại Điều 5 BLTTDS thì đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện.
(tính hợp pháp khi tòa án yêu cầu người khởi kiện xin xác nhận địa chỉ cư trú của người bị kiện)
Người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp (Điều 165 BLTTDS).
Cũng theo quy định tại Điều 167 BLTTDS thì Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa hoặc gửi qua đường bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một trong những Quyết định sau đây:
(1) Tiến hành thụ lý vụ án nêu thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;
(2) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án nhân dân có thảm quyền…;
(3) Trả lại Đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Căn cứ vào các quy định nêu trên thì có thể nhận định ngoài đơn khởi kiện, người khởi kiện còn phải nộp thêm các tài liệu, chứng cứ liên quan để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện. Tuy nhiên, Văn bản xác nhận địa chỉ cư trú hoặc trụ sở của người bị kiện không phải là chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện.
Trong mọi trường hợp, Tòa án đều phải nhận đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo của người khởi kiện (không bắt buộc phải đủ tài liêu), nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết thì Tòa án có nghĩa vụ chuyển đơn cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền khác giải quyết và thông báo cho người khởi kiện biết. Tòa án không có quyền từ chối đơn và hồ sơ khởi kiện của người khởi kiện trong mọi mọi trường hợp.
Như vậy, việc Tòa án tại một số địa phương từ chối nhận đơn và hồ sơ khởi kiện của người khởi kiện nếu không có văn bản xác nhận địa chỉ cư trú hoặc trụ sở của người bị kiện là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
TRONG NHIỀU TRƯỜNG HỢP YÊU CẦU NÊU TRÊN KHÔNG THỂ THỰC HIỆN
Thực tế cho thấy, sau khi nhận được yêu cầu của Tòa án, vì không muốn làm “mất lòng” nên nhiều người khởi kiện đã không đấu tranh, khiếu nại về vấn đề này. Họ chấp nhận thực hiện yêu cầu của Tòa án một cách vô điều kiện. Tuy nhiên, khi người khởi kiện tiến hành các thủ tục theo yêu cầu lại phát sinh một số bất cập sau đây:
Thứ nhất, đa phần người bị kiện không muốn đối diện với vụ kiện pháp lý. Họ thường có thái độ chống đối, bất hợp tác và có thể liên tục thay đổi nơi cư trú để gây khó khăn cho người khởi kiện trong quá trình tiến hành xác minh. Trường hợp này, đa phần Cảnh sát khu vực sẽ từ chối việc xác nhận.
Thứ hai, Cảnh sát khu vực và Công an Phường có quyền từ chối yêu cầu xác nhận về thông tin cư trú của Công dân do mình quản lý, trừ trường hợp do chính người đó hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Thứ ba, di chuyển nơi cư trú không phải là việc làm khó khăn, nếu bị đơn bất hợp tác thì họ có thể liên tục thay đổi nơi cư trú theo đúng quy định. Do đó, một văn bản xác nhận nơi cư trú chỉ có giá trị tạm thời; nó có thể không còn giá trị ngay sau khi được ban hành.
Như vậy, có thể nhận định yêu cầu nêu trên của Tòa án tại một số địa phương là chưa phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn. Thiết nghĩ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cần thiết phải có những quy định cụ thể về vấn đề này nhằm chấm dứt thực trạng nêu trên; đảm bảo tối đa quyền khởi kiện của người dân theo quy định.
Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY