Chuẩn bị phạm tội

05/01/2018

Chuẩn bị phạm tội là trường hợp người phạm tội không thực hiện được tội phạm đến cùng do những nguyên nhân ngoài ý muốn của họ. So với phạm tội chưa đạt, chuẩn bị phạm tội có mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn vì hành vi chuẩn bị phạm tội chưa trực tiếp xâm hại khách thể của loại tội định thực hiện và riêng hành vi chuẩn bị phạm tội chưa trực tiếp xâm hại đến khách thể của loại tội định thực hiện và riêng hành vi chuẩn bị phạm tội chưa thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Do vậy, BLHS hiện hành quy định người chuẩn bị phạm tội phải chịu TNHS nếu tội định phạm là tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng

Điều 17 BLHS: “Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm.
Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện”.
Mục 1 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999 hướng dẫn đoạn 2 của Điều 17 BLHS như sau: Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định cụ thể người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện, nhưng cần hiểu là chỉ đối với những tội phạm do cố ý mới có giai đoạn chuẩn bị phạm tội, bởi vì chỉ trong trường hợp cố ý phạm tội, thì người định thực hiện tội phạm mới tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện phạm tội. Đồng thời theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999, thì tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 7 năm tù đến 15 năm tù và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 15 năm tù, từ trung thân hoặc tử hình; do đó, chỉ người nào chuẩn bị phạm một tội do cố ý mà có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên 7 năm tù, tù trung thân hoặc tử hình, thì người chuẩn bị phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này được áp dụng kể từ ngày Bộ luật hình sự được công bố (ngày 04-1-2000); vì vậy, đối với những người bị truy tố về hành vi chuẩn bị phạm một tội được thực hiện từ trước ngày 04-1-2000 mà tội này có mức cao nhất của khung hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 là 7 năm tù trở xuống, thì căn cứ vào điểm c Mục 3 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA ngày 12-6-2000 của Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an "Hướng dẫn thi hành Mục 3 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999 của Quốc hội và Nghị quyết số 229/2000/NQ-UBTVQH10 ngày 28-1-2000 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội" để ra quyết định đình chỉ vụ án.
Chỉ được xét xử một người chuẩn bị phạm một tội nào đó khi có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng tội phạm mà họ chuẩn bị thực hiện là tội phạm do cố ý và là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong trường hợp qua nghiên cứu hồ sơ nếu thấy có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng họ chuẩn bị thực hiện một tội phạm, nhưng chưa có đủ căn cứ để xác định được tội phạm mà họ định thực hiện là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, thì ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ đó có phải là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng hay không. Trong trường hợp Viện kiểm sát không điều tra bổ sung hoặc qua điều tra bổ sung vẫn không làm rõ được nên vẫn giữ nguyên cáo trạng, thì phải mở phiên toà xét xử theo thủ tục chung; nếu tại phiên toà cũng không thể xác định được tội phạm mà họ định thực hiện là loại tội phạm nào, thì áp dụng khoản 2 Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Điều 17 Bộ luật hình sự năm 1999 tuyên bố bị cáo không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị tội phạm mà họ đã bị truy tố.
Ví dụ: Nguyễn Văn A sửa soạn công cụ, phương tiện để thực hiện tội trộm cắp tài sản. Nếu có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng Nguyễn Văn A chuẩn bị thực hiện tội trộm cắp tài sản thuộc khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999, thì tuyên bố Nguyễn Văn A phạm tội trộm cắp tài sản (chuẩn bị phạm tội). Trong trường hợp chỉ chứng minh được rằng Nguyễn Văn A sửa soạn công cụ, phương tiện để thực hiện tội trộm cắp tài sản ở một nơi nào đó với ý thức có tài sản gì thì lấy trộm tài sản đó, không thể xác định được thuộc khoản nào của Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999, thì áp dụng điểm 2 Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Điều 17 Bộ luật hình sự năm 1999 tuyên bố Nguyễn Văn A không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị tội phạm trộm cắp tài sản mà họ đã bị truy tố.
Ngoài ra, Điều 52 BLHS quy định:
1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt đựơc quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá hai mươi năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Vì vậy, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì khi quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, ngoài việc phải áp dụng điểm, khoản, điều luật quy định về tội phạm đó, cần phải áp dụng Điều 17 và các khoản 1 và 2 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 1999. Ví dụ: Lê Văn H chuẩn bị phạm tội giết người thuộc khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999, thì phải tuyên bố trong bản án là: "Lê Văn H phạm tội giết người (chuẩn bị phạm tội); áp dụng khoản 1 Điều 93, Điều 17, các khoản 1 và 2 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 1999 xử phạt Lê Văn H...".

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop