Điều 166 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao”.
Ngoài những đặc điểm chung của hoạt động thương mại, hoạt động đại lý thương mại còn có những đặc điểm:
Thứ nhất, hoạt động đại lý là hoạt động diễn ra giữa bên giao đại lý và bên đại lý. Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ. Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ.
Theo quy định tại Điều 167 Luật thương mại, bên giao đại lý và bên đại lý đều phải là thương nhân. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
Thứ hai, quan hệ đại lý thương mại xác lập trên quan hệ hợp đồng. Điều 168 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Pháp luật không quy định các điều khoản bắt buộc trong hợp đồng đại lý, nhưng khi giao kết các bên có thể thỏa thuận và ghi vào trong hợp đồng các điều khoản sau: hàng hóa hoặc dịch vụ đại lý; hình thức đại lý, thù lao đại lý, thời hạn của hợp đồng đại lý, quyền và nghĩa vụ của các bên….
Thứ ba, trong hoạt động đại lý thương mại thì bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hoá hoặc tiền giao cho bên đại lý. Khi thực hiện hoạt động đại lý, bên đại lý không phải là người mua hàng của bên giao đại lý mà chỉ là người nhân hàng để rồi tiếp tục bán cho bên thứ ba. Chỉ khi hàng hóa được bán, quyền sở hữu hàng hóa mới chuyển từ bên giao đại lý cho bên thứ ba.
Theo quy định này thì mặc dù hàng hóa được chuyển giao cho bên đại lý, nhưng bên giao đại lý vẫn là bên chịu rủi ro đối với hàng hóa. Nhưng trong nhiều trường hợp, bên đại lý phải liên đới chịu trách nhiệm về các thiệt hại xảy ra.
Ví dụ: Chị A mua một hộp sữa ở đại lý B, khi con trai chị uống có triệu chứng đau bụng, nôn mửa, đi ngoài. Chị A đã làm đơn khởi kiện bên giao đại lý C vì sữa kém chất lượng. Nhưng theo kết luận điều tra thì sữa có vấn đề là do đại lý B bảo quản không đúng cách. Vì vậy, trong trường hợp này bên đại lý B bị liên đới chịu trách nhiệm về việc bán sữa kém chất lượng.
Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY