Phân tích pháp lý vụ Giả cảnh sát vòi tiền người đi đường

05/01/2018

Ngày 8/6, Công an quận 10 (TP HCM) đã tạm giữ 7 thanh niên để làm rõ về hành vi giả công an để cưỡng đoạt tài sản của người đi đường. Cầm đầu nhóm này là Nguyễn Ngọc Đức (32 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu).

Rạng sáng 7/6, tổ cảnh sát hình sự đặc nhiệm công an thành phố tuần tra trên đường Lý Thường Kiệt (phường 14, quận 10) thì phát hiện Đức cùng 6 thanh niên, trong đó có 4 dân quân tự vệ đang ép xe một thanh niên khác vào lề kiểm tra nên bí mật theo dõi.
Thấy nhóm thanh niên này tự xưng là cảnh sát hình sự, yêu cầu người đi đường xuất trình giấy tờ, sau đó kiểm tra xe và định chiếm đoạt tài sản, các trinh sát ập vào bắt quả tang.
Ngày 8/6, Công an quận 10 (TP HCM) đã tạm giữ 7 thanh niên để làm rõ về hành vi giả công an để cưỡng đoạt tài sản của người đi đường. Cầm đầu nhóm này là Nguyễn Ngọc Đức (32 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu).
Khai với cơ quan điều tra, Đức cho biết, thời gian đi lính nghĩa vụ công an ở Vũng Tàu từ 2000 đến 2003, Đức chụp hình mặc quân phục để làm bằng lái xe. Khi đêm xuống, Đức rủ đồng bọn ra đường Lý Thường Kiệt chặn xe kiểm tra giấy tờ rồi vòi tiền của người dân. Khi bị hỏi thì Đức dùng thẻ Đảng viên và giấy phép lái xe có hình công an để dọa, buộc người đi đường đưa tiền mới cho đi...”

Ý kiến pháp lý vụ việc
Nguyễn Ngọc Đức có thể bị truy cứu trách nhiệm về “tội cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 2 điều 135 Bộ luật hình sự.
– Khoản 1 Điều 135 quy định về tội này như sau: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì…”.
Hành vi của Đức theo như thông tin là Đức cùng 4 dân quân tự vệ đã lấy tấm bằng lái xe có chụp hình mặc quân phục và thẻ Đảng viên chặn xe người đi đường, tự xưng là cảnh sát hình sự rồi đe dọa đòi tiền người mới cho đi…
Ở đây, Đức và 4 người kia đã có thủ đoạn giả làm cảnh sát hình sự, lấy bằng lái xe có chụp hình quân phục chặn đường kiểm tra người đi đường, đe dọa khiến họ sợ hãi, phải đưa tiền cho Đức để được đi. Mục đích của Đức và 4 người dân quân là dùng thủ đoạn đó nhằm chiếm đoạt tiền của người đi đường; thực hiện hành vi với lỗi cố ý.
Như vậy, hành vi của Đức và 4 người dân quân đã đủ yếu tố cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135.
* Có ý kiến cho rằng Đức phạm “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” Điều 139 Bộ luật hình sự, bằng thủ đoạn gian dối là lấy bằng lái xe có chụp hình quân phục, thẻ Đảng viên để chặn xe, làm người khác tin mình là cảnh sát để đưa tiền…
Người viết không đồng tình với quan điểm này bởi nếu là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì nạn nhân không bị uy hiếp về tinh thần; người phạm tội bằng thủ đoạn gian dối lấy lòng tin của nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản; nạn nhân không hề bị uy hiếp tinh thần hay bị ép buộc phải đưa tiền.
Ở vụ việc này, Đức chặn xe người đi đường, lấy bằng lái xe có hình quân phục để đe dọa người đi đường, “vòi” tiền họ bằng được mới cho đi…Nạn nhân bị uy hiếp tinh thần, buộc phải đưa tiền cho Đức. Hành vi dùng bằng lái xe có hình quân phục chỉ là thủ đoạn để Đức uy hiếp người khác lấy tiền người khác; bản chất vụ việc không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
– Đức và 4 người dân quân kia có thể có tình tiết định khung là “có tổ chức” theo khoản 2 Điều 135; Đức và 4 người dân quân có sự câu kết chặt chẽ, Đức là người tổ chức, 4 người kia có thể là vai trò người thực hành hoặc người giúp sức.
Như vậy, Đức và 4 người dân quân có thể bị truy cứu theo khoản 2 Điều 135 bộ luật hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop