Tội chống người thi hành công vụ

05/01/2018

Gần đây, tình hình tội phạm, đối tượng vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ  đang có chiều hướng gia tăng, gây nên tình trạng bất ổn về trật tự xã hội, điển hình là 2 thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Để ngăn chặn tình trạng này, cần thường xuyên phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật trong quần chúng nhân dân cũng như cán bộ làm nhiệm vụ; ngoài ra cũng có những hình phạt nghiêm khắc để răn đe chung

1. Phạm tội theo khoản 1 Điều 257
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Theo điều 3 Giải thích từ ngữ của Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ thì có thể hiểu:
“1. Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
2. Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao”.
– “Dùng vũ lực” là hành vi dùng sức mạnh của cá nhân hoặc sức mạnh vật chất khác để hành hung, chống đối, cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của mình hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật như các hành vi: đấm, đá, đập, dùng đất, đá ném, dùng gậy đánh trả…Tuy nhiên, việc dùng sức mạnh chưa gây thương tích hoặc gây ra không đáng kể. Nếu gây ra thương tích thì tùy từng trường hợp người phạm tội có thể bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích điều 104 hoặc nếu gây chết người thì truy cứu về tội giết người điều 93 bộ luật hình sự.
– “Đe dọa dùng vũ lực” là hành vi bằng lời nói, hành động uy hiếp tinh thần của người thi hành công vụ làm họ sợ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ.
– “Thủ đoạn khác” có thể lăng mạ, chửi bới, vu khống…người thi hành công vụ để cản trở nhiệm vụ được thi hành.
– Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, chỉ cần người phạm tội có hành vi khách quan trên thì đủ yếu tố cấu thành tội. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử thì phần lớn chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự với những trường hợp chống người thi hành công vụ mà làm nhiệm vụ gián đoạn hoặc không thể thực hiện được hoặc gây hậu quả nghiêm trọng trở lên…Những trường hợp vẫn thực hiện nhiệm vụ được mặc dù có hành vi chống đối thì biện pháp xử lý mềm mỏng hơn, có thể là xử phạt hành chính hoặc cảnh cáo, nhắc nhở…
2. Phạm tội theo khoản 2 Điều 257
Người phạm tội sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có tổ chức
Là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm; có sự phân công nhiệm vụ từng người; có người tổ chức; người giúp sức; người thực hành…
b) Phạm  tội nhiều lần
Là trường hợp người phạm tội nhiều lần thực hiện hành vi chống đối người làm công vụ, các lần trước đó đã bị nhắc nhở hoặc cảnh cáo. Thông thường nhiều lần thường là ba hoặc bốn lần trở lên.
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội
Là trường hợp người phạm tội bằng lời nói, hành động rủ rê, lôi kéo nhiều người khác cùng tham gia chống người thi hành công vụ với mình. Tuy nhiên việc lôi kéo này diễn ra không có sự hứa hẹn, bàn bạc từ trước; nếu có sự hứa hẹn bàn bạc trước là phạm tội có tổ chức quy định tại điểm a.
d) Gây hậu quả nghiêm trọng
Chưa có hướng dẫn cụ thể về gây hậu quả nghiêm trọng ở điểm này nhưng có thể tham khảo tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định trong tội gây rối trật tự công cộng tại Tiểu mục 5.1 Mục 5 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP quy định: “5.1. Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự:
a. Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;
b. Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
c. Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;
d. Chết người;
đ. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;
e. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;
g. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;
h. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.
Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khoẻ và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội...
Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không”.
đ) Tái phạm nguy hiểm
Khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự quy định:
“Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý”.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop