Có các lưu ý như sau:
+ Thứ nhất: yếu tố bất ngờ, công khai là yếu tố đặc trưng của tội phạm này. Người phạm tội thực hiện hành vi một cách nhanh chóng, chiếm đoạt tài sản ngoài tầm kiểm soát của người quản lý tài sản; không giấu giếm hành vi của mình.
+ Thứ hai: Đây là tội phạm có cấu thành hình thức, chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi là đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà không cần quan tâm xem tài sản bị cướp giật có giá trị bao nhiêu. Ví dụ: cướp giật 1000 VND cũng đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc cướp giật túi xách nhưng bị người quản lý tài sản lấy lại được, người cướp giật chưa lấy được tài sản nhưng vẫn đủ yếu tố cấu tội phạm này…( lưu ý, nếu trong quá trình giật tài sản, người quản lý tài sản chống trả lại hành vi cướp giật mà người có hành vi phạm tội lại dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực…để lấy tài sản đó thì hành vi đó được chuyển hóa thành tội cướp tài sản theo Điều 133 BLHS).
+ Thứ ba: Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự: Theo quy định tại Điều 12 BLHS: “1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Như vậy, ta có thể phân biệt như sau: người dưới 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm; còn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 136 do đây là tội phạm nghiêm trọng (theo khoản 3 Điều 8 BLHS), họ chỉ chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, 3, 4 Điều 136 BLHS theo khoản 2 Điều 12 nêu trên.
+ Thứ tư: người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý, mục đích chiếm đoạt là dấu hiệu bắt buộc để định tội danh.
2. Các điều khoản của tội cướp giật tài sản Điều 136 BLHS
2.1. Khoản 1 Điều 136
Đây là điều khoản mô tả cấu thành cơ bản của tội cướp giật tài sản. Người phạm tội không có các tình tiết định khung hình phạt. Khi đó, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu người phạm tội chưa đạt theo Điều 18 BLHS (có hành vi cướp giật tài sản nhưng không cướp giật được…) thì phải chịu tối đa 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định (Khoản 3 Điều 52 BLHS). Ví dụ, người phạm tội chưa đạt theo khoản 1 Điều 136 sẽ phải chịu tối đa là 3/4 × 5 năm = 3 năm 9 tháng tù.
2.2. Khoản 2 Điều 136
Nếu người phạm tội thuộc khoản 2 Điều 136 BLHS thì sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có tổ chức: là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Trong đó, ít nhất có người tổ chức, người thực hành…
b) Có tính chất chuyên nghiệp: tại Mục 5 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định bộ luật hình sự quy định:
“5.1. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích;
b) Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Ví dụ: A là một người không nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu nhập từ việc phạm tội. Trong một thời gian, A liên tiếp thực hiện năm vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
5.2. Khi áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, cần phân biệt:
a) Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xoá án tích thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
Ví dụ: B đã bị kết án về tội “trộm cắp tài sản”, nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt, trong một thời gian, B lại liên tiếp thực hiện bốn vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng ba tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
b) Đối với tội phạm mà trong điều luật có quy định tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS. Trường hợp điều luật không có quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt thì phải áp dụng là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS”.
c) Tái phạm nguy hiểm: Khoản 2 Điều 49 BLHS quy định:
“Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý”.
d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm: là trường hợp người phạm tội đã có những thủ đoạn nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe nạn nhân như: giật túi xách khiến nạn nhân bị ngã; giật đồ khi nạn nhân đứng trên mạn thuyền làm nạn nhân ngã xuống nước...
đ) Hành hung để tẩu thoát: là trường hợp sau khi đã giật được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt mà có hành vi dùng vũ lực đối với người đuổi bắt để trốn thoát; tuy nhiên hành vi dùng vũ lực không gây ra thương tích hoặc nếu đã gây ra thì tỷ lệ thương tật chưa đến 11%. Nếu tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì tùy từng trường hợp có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, 3, 4 Điều 136 BLHS.
Cần lưu ý là phân biệt hành vi dùng vũ lực để nhằm mục đích tẩu thoát với mục đích giữ tài sản. Nếu người phạm tội dùng vũ lực với mục đích giữ tài sản. Nếu chứng minh được tình tiết vụ án chứng tỏ người phạm tội dùng vũ lực với mục đích chiếm giữ bằng được tài sản thì sẽ chuyển hóa thành tội cướp tài sản theo Điều 133 BLHS.
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
h) Gây hậu quả nghiêm trọng: là các trường hợp do hành vi cướp giật tài sản nên đã gây ra những thiệt hại khác ngoài những thiệt hại đã được quy định. Qua thực tiễn thì có thể coi những thiệt hại sau đây là hậu quả nghiêm trọng: gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho nhiều người nhưng mỗi người dưới 11%, tuy nhiên tổng tỷ lệ thương tật là từ 11% đến 30%; những thiệt hại phi vật chất như gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tình hình trật tự an toàn khu vực, làm nhiều người sợ hãi không dám đi học, đi làm...
2.3. Khoản 3 Điều 136
Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
2.4. Khoản 4 Điều 136
Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
2.5. Khoản 5 Điều 136
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Lưu ý, khi Tòa án áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung thì không được phạt quá 100 triệu đồng; có thể phạt dưới 10 triệu đồng nếu có tình tiết giảm nhẹ những không được thấp hơn 1 triệu đồng quy dịnh tại Điều 30 BLHS.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại cho nạn nhân nếu có thiệt hại xảy ra như tiền mai táng phí, chi phí chữa bệnh, bồi thường tình thần...
Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY