Tội dùng nhục hình

05/01/2018

pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi truy bức, dùng nhục hình đối với người khác. Mọi hành vi dùng nhục hình tùy theo tính chất mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội dùng nhục hình theo Điều 298 bộ luật Hình sự

Điều 6 Bộ luật tố tụng hình sự quy định:
“Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc bắt và giam giữ người phải tuân theo quy định của bộ luật này.
Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình”.
Như vậy, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi truy bức, dùng nhục hình đối với người khác. Mọi hành vi dùng nhục hình tùy theo tính chất mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội dùng nhục hình theo Điều 298 bộ luật Hình sự.
1. Khoản 1 Điều 298
Khoản 1 Điều 298 quy định về cấu thành cơ bản tội này: “người nào dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
– Có thể hiểu: Dùng nhục hình là hành vi của người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tinh thần…của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị kết án hoặc người tham gia tố tụng khác…
– Chủ thể của tội phạm này: chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có thẩm quyền trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án mới có thể thực hiện tội phạm này, ví dụ như: Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; điều tra viên; Viện trưởng, phó viện trưởng Viện Kiểm sát; kiểm sát viên; Thẩm phán; Thư ký tòa; cán bộ trông coi trại tạm giam, tạm giữ, trại giam…
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy chủ thể tội này thường là cán bộ của cơ quan điều tra hoặc cán bộ trong coi trại giam, trại tạm giam, tạm giữ bởi những người này thường tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với nạn nhân, họ có đủ điều kiện để thực hiện hành vi phạm tội. Còn những chủ thể khác như Kiểm sát viên, Thẩm phán, thư ký tòa…khó có điều kiện thực hiện tội phạm này bởi họ thường làm công việc xét xử ở Tòa án hoặc xem xét thông qua hồ sơ vụ việc…
– Hành vi khách quan: Người phạm tội có thể thực hiện một số hành vi sau: tra tấn, đánh đập, bắt nhịn ăn, nhịn uống, cùm kẹp, tra khảo hỏi cung suốt ngày đêm, bắt tắm nước lạnh vào mùa đông, đe dọa đánh đập…hoặc có những hành vi khác gây đau đớn về thể xác, tinh thần đối với bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, tạm giam, người bị kết án hoặc những người tham gia tố tụng khác.
Tuy nhiên, việc xác định dùng nhục hình trên thực tế cũng không đơn giản vì những hành vi này rất khó bị phát hiện, nơi thưc hiện thường là trong buồng giam, giữ, buồng hỏi cung…ít người quan sát thấy. Người phạm tội lại là người có chức vụ, quyền hạn, am hiểu pháp luật nên họ dễ dàng che giấu; khi bị tố cáo thì người phạm tội đòi chứng cứ mà người bị nhục hình khó có thể cung cấp ra được. Việc điều tra hành vi cũng không hề dễ dàng, khó làm người phạm tội khai nhận ra…
Nếu dùng nhục hình mà hành vi cấu thành một tội khác thì người dùng nhục hình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đó hoặc bị truy cứu cả về tội phạm đó và tội dùng nhục hình. Ví dụ nếu dùng nhục hình gây thương tích trên 11% thì có thể bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích Điều 104 và tội dùng nhục hình…
– Mặt chủ quan của tội phạm: người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý.
Động cơ tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này nhưng việc xác định động cơ của người phạm tội là rất cần thiết. Nếu người phạm tội vì động cơ cá nhân hoặc động cơ xấu khác thì sẽ bị phạt nặng hơn người phạm tội vì động cơ nóng vội, vì thành tích, muốn hoàn thành việc điều tra kết thúc vụ án sớm.
2. Khoản 2 Điều 298
Khoản 2 Điều 298 quy định: “Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
Chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng” của khoản này nhưng  qua tham khảo một số quy định ở tội phạm khác thì có thể hiểu “gây hậu quả nghiêm trọng” ở đây là có chết người xảy ra (nạn nhân không chịu được đánh đập nên tự tư hoặc do đánh đập nhiều lần nên bị suy tim dẫn tới tử vong…); gây thương tích cho nhiều người với các mức thương tật khác nhau; làm nạn nhân sợ hãi, hoảng loạn hoặc bị tâm thần hoặc mất khả năng nhận…
Nếu đủ căn cứ xác định người phạm tội có hành vi cấu thành tội khác thì truy cứu trách nhiệm về tội đó hoặc có thể truy cứu cả tội đó và tội dùng nhục hình.
3. Khoản 3 Điều 298
Khoản 3 Điều 298 quy định: “Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm’.
Tương tự như phân tích ở trên có thì có thể hiểu “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” là chết từ 02 người trở lên; gây thương tích cho nhiều người với tỷ lệ thương tật mỗi người từ 11% trở lên; nạn nhân hoảng loạn, đau đớn hoặc bị tâm thần, mất khả năng nhận thức; thực hiện tội phạm trong thời gian dài gây đau đớn về thể xác, tinh thần cho nạn nhân…
Nếu đủ căn cứ xác định người phạm tội có hành vi cấu thành tội khác thì truy cứu trách nhiệm về tội đó hoặc có thể truy cứu cả tội đó và tội dùng nhục hình.
4. Hình phạt bổ xung
Khoản 4 Điều 298 quy định: “Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop