Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

05/01/2018

Tình trạng tai nạn giao thông hiện nay ở nước ta là rất đáng báo động khi trung bình một ngày có khoảng 30 người chết vì tai nạn giao thông; ngoài ra thiệt hại về tài sản là rất lớn…Lỗi vi phạm xảy ra cả đối với người gây tai nạn và người bị tai nạn, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Để phòng ngừa tình trạng này, các cơ quan ban ngành đã thực hiện rất nhiều biện pháp khác nhau và trong đó có một biện pháp mang tính nặng nhất là buộc người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự.

1. Khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự quy định về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ:
“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.
– Điểm 1 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ”.
Điểm 17 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ: “ Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ”.
Điểm 23 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ: “Người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ”.
– Tình tiết “gây thiệt hại cho tính mạng” là làm khác chết
Tình tiết “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác”: Tiểu mục 4.1. Mục 4 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật hình sự quy định: “4.1. Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự:
a. Làm chết một người;
b. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
e. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng”.
Lưu ý: Khi xác định thiệt hại về tài sản cho người khác thì chú ý chỉ những tài sản do hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trực tiếp gây ra, còn những thiệt hại gián tiếp không tính là thiệt hại để xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội như: Do bị thương nên phải chi phí cho việc điều trị và các khoản chi phí khác (mất thu nhập, làm chân giả, tay giả, mắt giả...). Mặt dù các thiệt hại này người phạm tội vẫn phải bồi thường theo luật Dân sự nhưng không tính để xác định trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội.
– Người phạm tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thực hiện hành vi là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả).
2. Khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự
Người phạm tội theo khoản 2 Điều 202 sẽ bị phạt tù từ ba năm đến mười năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
2.1. Không có giấy phép hoặc bằng lái theo quy định
Điều 59 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về giấy phép lái xe:
“1. Căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe cơ giới, giấy phép lái xe được phân thành giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn.
2. Giấy phép lái xe không thời hạn bao gồm các hạng sau đây:
a) Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3;
b) Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;
c) Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.
3. Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A1.
4. Giấy phép lái xe có thời hạn gồm các hạng sau đây:
a) Hạng A4 cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg;
b) Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;
c) Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg;
d) Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2;
đ) Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C;
e) Hạng E cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D;
g) Giấy phép lái xe hạng FB2, FD, FE cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng B2, D, E để lái các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng này khi kéo rơ moóc hoặc xe ô tô chở khách nối toa; hạng FC cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng C để lái các loại xe quy định cho hạng C khi kéo rơ moóc, đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc.
5. Giấy phép lái xe có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và lãnh thổ của nước hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký cam kết công nhận giấy phép lái xe của nhau”.
2.2. Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng
Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về các hành vi bị cấm trong đó khoản 8: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”.
Các chất kích thích mạnh khác có thể ma túy, thuốc lắc…
2.3. Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị tai nạn
– “Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm” là trường hợp người phạm tội do vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản, nhưng sau đó đã bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm.
Khoản 1 Điều 38 Luật Giao thông đường bộ quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông: “1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:
a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền”.
– “Cố ý không cứu giúp người bị nạn” là trường hợp người phạm tội do vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại dến tính mạng, sức khoẻ của người khác nhưng đã cố ý không cứu giúp người bị nạn. Cố ý không cứu giúp là có điều kiện cứu mà không cứu, đã có yêu cầu của người khác nhưng vẫn không cứu giúp. Hành vi cố ý không cứu giúp không nhất thiết phải dẫn đến hậu quả là người bị nạn chết hoặc bị tổn hại nghiêm trọng đến sức khoẻ.
2.4. Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông
Điểm 25 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: “Người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt”.
2.5. Gây hậu quả rất nghiêm trọng
Tiểu mục 4.2 Mục 4 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP quy định:
“4.2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây là "gây hậu quả rất nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự:
a. Làm chết hai người;
b. Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e tiểu mục 4.1 mục 4 này;
c. Gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%;
đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e tiểu mục 4.1 mục 4 này;
e. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng”.
3. Khoản 3 Điều 202 Bộ luật hình sự
“Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm”.
Tiểu mục 4.3 Mục 4 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP quy định:
“4.3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây là "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự:
a. Làm chết ba người trở lên;
b. Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e tiểu mục 4.1 mục 4 này;
c. Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e tiểu mục 4.2 mục 4 này;
d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
đ. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 200%;
e. Gây tổn hại cho sức khoẻ của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản được hướng dẫn tại điểm e tiểu mục 4.2 mục 4 này;
g. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên”.
4. Khoản 4 Điều 202 Bộ luật hình sự
“Vi phạm về quy định an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Đây là trường hợp do vi phạm quy định an toàn giao thông có thể gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng nhưng do chưa có hậu quả xảy ra do đã được ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, vì nếu không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên các nhà làm luật vẫn coi trường hợp này là phạm tội nhưng trách nhiệm hình sự sẽ giảm nhẹ đi.
Ví dụ: Một lái khách chở 40 người trên xe do vi phạm quy tắc vượt nên xe bị trật bánh lao xuống mảnh ruộng bên cạnh, tuy nhiên không có thiệt hại về người, tài sản chỉ bị hư hỏng nhẹ do được trục vớt kịp thời. Xét về cấu thành tội phạm theo khoản 1 Điều 202 thì người lái xe chưa cấu thành tội phạm nhưng nếu xét trong trường hợp nếu không được cứu vớt kịp thì sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhiều người chết nên vẫn coi là phạm tội.
* Ngoài ra, khoản 5 Điều 202 quy định hình phạt bổ sung: “5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop