Chăm sóc, nuôi dưỡng con sau ly hôn

05/01/2018

Trong các vụ việc ly hôn, ngoài việc yêu cầu Tòa án cho ly hôn, yêu cầu chia tài sản… thì tranh chấp về vấn đề nuôi dưỡng, cấp dưỡng cho con cái sau khi ly hôn cũng chiếm số lượng lớn. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?

1. Việc nuôi dưỡng con cái sau khi ly hôn
Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 quy định:
“1. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
2. Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác”.
Mục 11 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn điều 92:
“Khi áp dụng quy định tại Điều 92 cần chú ý một số điểm sau đây:
a. Theo quy định tại khoản 1 Điều 92 thì người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ; do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó thì Toà án cần giải thích cho họ hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con để họ biết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Toà án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con.
b. Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.
c. Về phương thức cấp dưỡng do các bên thoả thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.
d. Trong trường hợp vợ, chồng không thoả thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần. Nếu con từ đủ chín tuổi trở lên, thì trước khi quyết định, Toà án phải hỏi ý kiến của người con đó về nguyện vọng được sống trực tiếp với ai.
Về nguyên tắc, con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi con, nếu các bên không có thoả thuận khác”.
– Như vậy, về nguyên tắc, nếu vợ, chồng không thỏa thuận được về vấn đề nuôi con thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên nuôi dưỡng căn cứ vào quyền lợi tốt nhất cho con.
Theo nguyên tắc:
+ Con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu không có thỏa thuận khác.
+ Con từ 3 tuổi đến dưới 9 tuổi thì Tòa án sẽ xem xét điều kiện hoàn cảnh phù hợp nhất với con.
+ Con từ đủ 9 tuổi trở lên thì Tòa án sẽ hỏi ý kiến người con đó về nguyện vọng muốn sống với bố hay mẹ.
– Người không trực tiếp nuôi con sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng, trừ trường hợp bên trực tiếp nuôi không yêu cầu phải cấp dưỡng và được Tòa án đồng ý. Mức cấp dưỡng do Tòa án ấn định phù hợp với điều kiện của bên phải cấp dưỡng. Nếu không có thỏa thuận khác thì phương thức cấp dưỡng là định kỳ hàng tháng.
2. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình: “Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Toà án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên”.
3. Quyền thăm nom con sau khi ly hôn
Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này.
Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Toà án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop