Sự việc tưởng chừng đơn giản, được giải quyết hài hoà trên cơ sở đảm bảo hai tiêu chí chính: (1) Giải toả chợ nhằm mở tầm nhìn ra biển; (2) Thu xếp và quy hoạch điểm họp chợ tạm theo mong muốn của toàn thể các Tiểu thương và cam kết của chính quyền. Thế nhưng, vào thời điểm hiện tại, Chợ tạm tiếp tục bị giải toả, điểm chợ mới được quy hoạch quá xa khu du lịch, không thể kinh doanh khiến các Tiểu thương rơi vào tình thế “tiến thoái, lưỡng nan”. Quyền lợi của gần 300 Tiểu thương có thể đang bị xâm hại nghiêm trọng. Nhiều Tiểu thương trong đó vì quá bức xúc, đã tụ họp trước cổng UBND tỉnh yêu cầu được gặp lãnh đạo tỉnh nhằm chia sẻ tâm tư và đề nghị giải thích một số vấn đề nhưng không được đáp ứng.
Một số tiểu thương, đồng thời là bạn trên cộng đồng faccebook đã liên hệ với mình nhằm tham khảo và nhờ tư vấn pháp lý. Tuy nhiên, với những thông tin được cung cấp còn hạn chế, chưa có hồ sơ vụ việc nên bản thân mình chưa thể đưa ra những nhận định hoặc ý kiến tư vấn pháp lý cụ thể, chính xác để bà con nắm bắt thực hiện.
Những nội dung được mình chia sẻ dưới đây mặc dù mang tính khái quát, nhưng cũng có thể định hướng để bà con Tiểu thương biết và áp dụng giải quyết vụ việc cho phù hợp.
I. CƠ SỞ XÁC ĐỊNH QUYỀN LỢI CỦA CÁC TIỂU THƯƠNG.
Trên cơ sở xem xét các thông tin từ một số Tiểu thương cung cấp, có thể nhận thấy việc các Tiểu thương hoạt động kinh doanh tại “Chợ đêm” là có chủ trương, chính sách của UBND tỉnh Quảng Ninh từ cách đây 15 năm; được giao cho Công ty TNHH MTV Du lịch Thanh Niên là đơn vị tổ chức thực hiện, triển khai và quản lý mọi hoạt động của Chợ. Việc các Tiểu thương có vị trí kinh doanh tại chợ cũng trên cơ sở Hợp đồng, giấy phép hoạt động, đóng phí, thuế theo quy định cho nhà nước. Do vậy, giả thiết trường hợp nhà nước thu hồi, giải toả phù hợp với quy định thì điều tiên quyết cần làm là việc xem xét đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các Tiểu thương. Không thể dùng chủ chương để biện minh cho việc giải toả khi bỏ qua quyền lợi chính đáng của dân.
(ảnh minh họa: tư vấn thu hồi chợ cho bà con tiểu thương chợ đêm Hạ Long)
2. GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC HÀNH CHÍNH CẦN THIẾT PHẢI THEO TRÌNH TỰ, THỦ TỤC LUẬT ĐỊNH.
Từ thực tiễn kinh nghiệm giải quyết các vụ việc hành chính, tôi nhận thấy rằng đa phần những vụ việc khi người dân lựa chọn cách thức giải quyết tự phát như biểu tình phản đối, khiếu nại, tố cáo không đúng thẩm quyền hoặc chưa phù hợp về hình thức, chủ thể, đối tượng đều không được giải quyết thoả đáng. Trong khi dó, phần lớn người dân đều chưa đánh giá được việc này và điều chỉnh cho phù hợp.
Về vụ việc liên quan, sau khi tiếp tục bị giải toả Chợ tạm, do bị ảnh hưởng quá nhiều quyền lợi nên nhiều Tiểu thương quyết định lựa chọn hình thức đấu tranh bằng việc tập hợp số đông trước cổng UBND tỉnh để phản đối và yêu cầu lãnh đạo UBND Tỉnh phải tiếp, ghi nhận ý kiến của nhân nhân. Có thể khẳng định hình thức này chưa phù hợp, UBND tỉnh và/ hoặc Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh không phải là chủ thể có hành vi hoặc quyết định trực tiếp gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Tiểu thương; họ cũng không có nghĩa vụ phải tiếp dân theo yêu cầu nếu đó không phải là thời điểm buộc phải tiếp dân hàng tuần hoặc hàng tháng theo quy định của UBND.
Cách thức này khó có thể mang đến hiệu quả, đặc biệt là khi UBND chưa có sự cân nhắc cần thiết về phương án đảm bảo quyền lợi của dân hoặc chí ít là một sự thiện chí lắng nghe, xem xét.
Ngay cả việc một số Báo chí đăng tải nội dung vụ việc, thiện ý mong muốn và đề nghị cơ quan có thẩm quyền tỉnh Quảng Ninh cần xem xét đảm bảo quyền lợi của các Tiểu thương. Tuy nhiên, điểm cần thiết nâng cao giá trị phản ánh như việc UBND thành phố Hạ Long có được phép giải toả chợ đêm hay không? Căn cứ giải toả? Các quyền lợi chính chính đáng của Tiểu thương được hưởng khi giải toả theo quy định?... thì rõ ràng chưa được phân tích, viện dẫn.
Do đó, trong mọi trường hợp, để yêu cầu quyền lợi chính đáng cho mình từ cơ quan nhà nước, bắt buộc các Tiểu thương phải đấu tranh sòng phẳng về mặt pháp lý, theo đúng trình tự thủ tục luật định. Qua đó, cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thấy rằng mình có thể đã sai ở đâu hoặc quyền lợi của dân phải được đảm bảo như thế nào theo quy định?
Nhà nước và pháp luật luôn có hành lang pháp lý để người dân thực hiện các quyền yêu cầu của mình khi quyền lợi của họ bị xâm phạm bởi chính quyết định hoặc hành vi hành chính. Lúc này, khiếu nại và/ hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo đúng trình tự, thủ tục là biện pháp duy nhất các tiểu thương cần làm trước khi thời hạn, thời hiệu kết thúc.
Trên đây là một số quan điểm chia sẻ pháp lý về vụ việc liên quan để các Tiểu thương Chợ đêm Hạ Long có thể tham khảo, định hướng cách thức xử lý của mình cho phù hợp, nhằm mục đích có thể đảm bảo quyền lợi chính đáng và tối đa cho mình.
Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.